Cốt lõi là ý thức người tiêu dùng

08:50 - Thứ Tư, 07/11/2018 Lượt xem: 9899 In bài viết

ĐBP - “Một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng giả, hàng nhái còn tồn tại chính là sự tiếp tay của người tiêu dùng (NTD) do thiếu thông tin, không phân biệt được hàng giả với hàng chính hãng; hoặc biết nhưng vẫn chấp nhận dùng vì giá rẻ.” Ðó là nhận định của ông Lò Văn Âu, Ðội trưởng Ðội Quản lý thị trường số 7 (huyện Ðiện Biên Ðông).

Ðiện Biên Ðông là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh; chủ yếu là dân tộc Mông sinh sống (chiếm trên 50% dân số); điều kiện kinh tế, văn hóa còn nhiều khó khăn. Trình độ dân trí của một bộ phận người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng cao còn hạn chế, thiếu thông tin về đời sống xã hội; trong khi đó lực lượng quản lý thị trường mỏng nên việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái vẫn còn không ít khó khăn. Ðây là điều kiện để một số đối tượng lợi dụng tuồn hàng giả, hàng nhái vào địa bàn.

Theo thống kê của Ðội Quản lý thị trường số 7, từ đầu năm đến nay, lực lượng liên ngành đã kiểm tra gần 130 vụ; lập hồ sơ và xử lý hơn 40 vụ vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 20 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là: không niêm yết giá, hàng không có tem, nhãn, bao bì; kinh doanh hàng quá hạn sử dụng, không có giấy tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm. Hàng giả, hàng nhái xuất hiện ở tất cả các lĩnh vực, ngành hàng, từ hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá đến các loại máy móc, thiết bị, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng... Mặc dù công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng nhái được lực lượng quản lý thị trường phối hợp thực hiện liên tục và quyết liệt, nhưng vẫn còn nhiều bất cập.

Ông Lò Văn Âu, cho biết thêm: Có một thực tế, dù nhiều NTD vẫn luôn kêu ca về tình trạng hàng giả, hàng nhái nhưng chính tâm lý chủ quan và thói quen mua hàng tùy tiện không rõ nguồn gốc, giá rẻ của NTD đã khiến hàng giả, hàng nhái có cơ hội lộng hành. Thậm chí, có nhiều trường hợp, NTD phát hiện hàng giả, hàng nhái nhưng lại đứng ngoài cuộc, không khai báo, tố giác mà coi việc đấu tranh, xử lý là trách nhiệm của ngành chức năng. Vì vậy, những vụ vi phạm từ đầu năm đến nay đều do lực lượng quản lý thị trường phát hiện qua kiểm tra, chưa có vụ nào người dân chủ động tố giác.

Cũng theo ông Âu, “cuộc chiến” chống hàng giả, hàng nhái phải bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức cho các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và đặc biệt là người dân. Bởi, nếu không làm tốt vấn đề nhận thức, thì dù có giải pháp gì cũng khó khả thi. Nhằm vận động NTD tích cực vào cuộc cùng với cơ quan chức năng chống hàng giả, hàng nhái, thời gian qua Ðội quản lý thị trường số 7 đã phân công từng cán bộ, kiểm soát viên trong đội vừa thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường địa bàn, vừa phối hợp với chính quyền cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao kiến thức phân biệt hàng giả, hàng nhái cho người dân. Ðặc biệt, khuyến khích NTD khi phát hiện hàng giả, hàng nhái cần báo sớm cho lực lượng chức năng để xử lý, giải quyết kịp thời. Từ đầu năm đến nay, Ðội Quản lý thị trường số 7 đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hơn 10 cuộc kiểm tra, nắm bắt thị trường và lồng ghép công tác tuyên truyền đến người dân với hàng nghìn lượt người tham gia; chú trọng tại các xã vùng sâu, vùng xa như: Tìa Dình, Háng Lìa, Phì Nhừ, Xa Dung… Qua các buổi tuyên truyền, nhiều NTD cũng như các cơ sở kinh doanh đã nâng cao được nhận thức về tác hại của hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; đồng thời cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và sẽ tố giác nếu phát hiện.

Quốc Huy
Bình luận
Back To Top