Nâng cao chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản

08:51 - Thứ Tư, 07/11/2018 Lượt xem: 11711 In bài viết

ĐBP - Nâng cao chất lượng hàng nông, lâm, thủy sản được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp tỉnh. Nhất là khi thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Vì vậy, thời gian qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) đã tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra, đánh giá, phân loại điều kiện bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Qua đó, từng bước thay đổi nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đảm bảo an toàn, giá trị.

 

Nông dân xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) chăm sóc vườn rau.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Sở NN & PTNT đã tổ chức hơn 100 buổi tập huấn, tuyên truyền kiến thức về ATTP cho trên 2.400 người dân, tổ chức sản xuất kinh doanh mặt hàng nông, lâm, thủy sản trên địa bàn. Các nội dung tuyên truyền chủ yếu về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; Luật ATTP… đồng thời tổ chức 55 buổi lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn trong các đợt kiểm tra với gần 400 lượt cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với công tác tuyên truyền, Sở đã thành lập các đoàn kiểm tra gần 200 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản; 3 đợt giám sát về ATTP đối với 97 lượt cơ sở kinh doanh, chế biến, sản xuất hàng nông, lâm, thủy sản; thực hiện thanh tra chuyên ngành và liên ngành tại 118 cơ sở, phát hiện và xử lý 5 cơ sở vi phạm các quy định về ATTP. Qua các cuộc kiểm tra, giám sát, cơ quan chuyên môn đã lấy hơn 1.100 mẫu rau, củ, quả, thủy hải sản, giò chả… để test thử nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nitrat, ure, hàn the… Kết quả cho thấy có 29 mẫu dương tính với thuốc bảo vệ thực vật, nguy cơ không an toàn đối với chỉ tiêu nitrat, hàn the.

Bà Nguyễn Thị Hồng Gấm, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản, Sở NN & PTNT), cho biết: Cùng với công tác tuyên truyền và các hoạt động thanh, kiểm tra, để nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản, đơn vị xác định việc quản lý chất lượng phải bắt đầu từ “gốc” - nghĩa là quản lý những sản phẩm bắt đầu từ ngoài đồng ruộng, nơi sản xuất. Ðể làm được điều này, Chi cục khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển hàng nông, lâm, thủy sản theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Bởi khi tham gia các chuỗi giá trị nông dân được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng vật nuôi, kỹ thuật bảo quản các sản phẩm sau thu hoạch đảm bảo an toàn, hiệu quả; cách hoạch toán kinh doanh để sản phẩm của mình có lãi; cùng tham gia tổ hợp tác để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị và chất lượng của sản phẩm. Ðến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và xác nhận 11 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh với các hộ dân cho các sản phẩm: rau, củ, quả tươi; chè Shan tuyết; cà phê; bánh khẩu xén; thịt trâu, bò khô; cá tầm, cá hồi; gạo Bắc thơm số 7; dứa Mường Chà… 

Mặc dù công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản đã đạt được những kết quả tích cực trong thời gian qua song thực tế hiện nay các mặt hàng nông, lâm, thủy sản vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết; tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, trồng trọt; nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận người dân về đảm bảo ATTP trong sản xuất kinh doanh còn hạn chế… Ðể tăng cường quản lý chất lượng hàng nông sản, thời gian tới Sở NN & PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc tích cực phối hợp phổ biến pháp luật về ATTP để nâng cao nhận thức, ý thức cho người sản xuất, kinh doanh. Ðồng thời, hướng dẫn, khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã qua kiểm dịch, kiểm soát ATTP; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bài, ảnh: Thu Phương
Bình luận
Back To Top