Xử lý nghiêm kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng

08:53 - Thứ Tư, 07/11/2018 Lượt xem: 11972 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh tuy có quy mô nhỏ lẻ song diễn biến hết sức phức tạp bởi phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi nhằm qua mắt cơ quan chức năng. Hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm, quá hạn sử dụng không chỉ xảy ra ở địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ mà còn ở các huyện vùng sâu vùng xa. Những nhóm mặt hàng bị vi phạm chủ yếu là lương thực, thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm… với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi như: Vận chuyển nhỏ lẻ vào địa bàn tỉnh theo nhiều cung đường, địa điểm và thời gian khác nhau; trà trộn hàng nhập lậu, hàng giả với các loại hàng hóa khác để tiêu thụ.

Từ những chợ lớn ở trung tâm thành phố đến chợ nhỏ ở các xã, không khó để nhận ra cùng một sản phẩm song có nhiều mẫu mã, bao bì, nhãn mác na ná nhau khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn và khó phân biệt. Thực tế đã có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra, tuy chưa có trường hợp thiệt hại về tính mạng song sử dụng các loại thực phẩm giả, kém chất lượng lâu ngày sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ của người tiêu dùng. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã tiêu hủy nhiều lô thực phẩm không có xuất xứ rõ ràng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), gồm: 130kg thịt bò Australia, 26kg thịt bò Mỹ, 200kg thịt trâu Ấn Ðộ, hơn 1.840 que kem Trung Quốc; phát hiện, buộc tiêu hủy 1.800 lọ siro không rõ nguồn gốc xuất xứ…

 

Ðội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) kiểm tra hoạt động kinh doanh tại Chợ trung tâm 1 (TP. Ðiện Biên Phủ).

Ông Lò Ngọc Minh, Cục phó Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Với đặc thù là tỉnh miền núi, đời sống của đại bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, nhu cầu sử dụng hàng hoá chất lượng cao chưa nhiều. Bởi vậy, nhận thức của người tiêu dùng và cả người kinh doanh, đặc biệt là người dân tộc thiểu số về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, phân biệt hàng thật hàng giả, pháp luật và kinh doanh thương mại còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng hiện nay còn nhiều bất cập. Quy trình kiểm tra, kết luận một mặt hàng giả, kém chất lượng phải qua nhiều khâu, kéo dài từ 6 tháng - 1 năm. Trong khi đó trang thiết bị, phương tiện chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Lực lượng cán bộ trực tiếp tham gia đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả lại mỏng, trình độ nghiệp vụ không đồng đều. Số vụ phát hiện, xử lý vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo VSATTP, hàng kém chất lượng chưa tương xứng với tình hình thực tế diễn ra trên thị trường. Dẫn đến công tác quản lý địa bàn, đối tượng kinh doanh có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ, ảnh hưởng đến hiệu quả kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Trước diễn biến phức tạp về kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành, chính quyền địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ theo chuyên ngành và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng triển khai đấu tranh hàng giả, đo lường chất lượng hàng hoá. Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường toàn tỉnh đã kiểm tra 1.905 vụ, phát hiện xử phạt vi phạm hành chính 636 vụ với hơn 523 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Buôn lậu (16 vụ), hàng cấm (3 vụ), vi phạm về ATTP (151 vụ), vi phạm trong kinh doanh (5 vụ), vi phạm trong lĩnh vực giá (264 vụ), vi phạm khác (197 vụ). Tiêu hủy hàng hóa trị giá 96,287 triệu đồng.

Nhằm đẩy lùi hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xâm nhập thị trường, Cục đã chủ động hướng dẫn, tuyên truyền Luật Thương mại, văn bản chỉ đạo của các cấp về những vấn đề liên quan tới sản xuất kinh doanh cho các thương nhân trên địa bàn toàn tỉnh. Hướng dẫn các cơ sở kinh doanh phối hợp cùng cơ quan thuế thực hiện tốt vấn đề tem, mác một số mặt hàng, thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá sản phẩm theo quy định của pháp luật, đặc biệt là sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Xác định những tháng cuối năm là thời điểm “nóng” về vấn đề hàng giả, kém chất lượng nên các ngành, đơn vị chức năng siết chặt kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn được giao quản lý. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, xăng dầu và các mặt hàng điện tử, điện lạnh, phân bón, thuốc lá, bia, rượu, nước giải khát... để phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top