Cần nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ sinh kế

08:42 - Thứ Năm, 08/11/2018 Lượt xem: 12050 In bài viết

ĐBP - Các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về hỗ trợ phát triển sản xuất, sinh kế, đầu tư cơ sở hạ tầng; đặc biệt là hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho người nghèo trên địa bàn tỉnh với mục đích tạo điều kiện cho người dân vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên một số chương trình, dự án cấp cây, con giống cho người dân chưa phù hợp hoặc chưa đúng quy định dẫn đến hiệu quả chưa cao.

 

Dự án Nuôi ngan Pháp của các hộ dân bản Cán, xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo) đến nay không duy trì được, vì thời điểm hỗ trợ vào mùa mưa nên tỷ lệ ngan sống rất thấp.

Vốn đầu tư chương trình MTQG năm 2018 trên địa bàn tỉnh là trên 445,700 tỷ đồng; lũy kế số vốn đã giải ngân từ đầu năm đến ngày 20/8/2018 đạt hơn 170 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này đã giúp nhiều hộ nghèo có thêm điều kiện, tư liệu sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên chậm phân khai nguồn vốn cũng như việc xây dựng một số chương trình, dự án chưa phù hợp đã dẫn đến việc cấp cây, con giống cho người dân chưa đúng với khung lịch thời vụ. Ðiển hình, Dự án Hỗ trợ giống ngan pháp năm 2016 tại bản Cán, xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo) từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Theo quy định, mỗi hộ dân được hỗ trợ 30 con ngan giống 1 tuần tuổi, song dự án lại hỗ trợ ngan 3 tuần tuổi. Mặc dù về chất lượng có lợi nhưng số lượng bị giảm bớt. Quan trọng hơn là đối với thức ăn cho ngan từ 1 - 3 tuần tuổi phải có tỷ lệ đạm 20 - 22% nhưng thức ăn dự án hỗ trợ chỉ có tỷ lệ đạm từ 17 - 19%. Ông Hà Xuân Mừng, Phó Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới tỉnh cho biết: Việc cấp phát giống ngan không đúng quy định đã nâng suất đầu tư lên cao. Nếu cấp ngan giống 1 tuần tuổi theo quy định thì giá sẽ thấp hơn, người dân sẽ được nhận số lượng ngan giống nhiều hơn 30 con, còn với ngan 3 tuần tuổi thì đương nhiên giá cao hơn và số lượng ít đi.

Qua các cuộc giám sát của Ban Dân tộc (Hội đồng Nhân dân tỉnh) tại một số xã trên địa bàn huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo cho thấy mô hình hỗ trợ người dân từ hợp phần hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135 chưa phát huy hiệu quả. Nhiều người dân cho rằng, hiện nay hỗ trợ giống ngô LVN10 không còn phù hợp thực tế. Ðồng thời có những vụ sản xuất, việc hỗ trợ giống muộn so với khung thời vụ dẫn đến người dân không mặn mà với giống hỗ trợ. Còn vật nuôi thường cấp vào mùa mưa lạnh trong khi người dân miền núi lại có thói quen thả rông, hoặc chuồng trại không được che chắn kỹ. Ðiều này dẫn đến việc vật nuôi bị ốm hoặc chết ngay sau khi cấp phát được vài ngày. Ðiển hình, tại xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo), theo số liệu thống kê sơ bộ của UBND xã: Trong số gần 30 con bò hỗ trợ cho người dân trong giai đoạn 2013 - 2016 có 5 con bị chết, những con còn lại chưa sinh sản.

 Gần đây nhất (đầu năm 2018) cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra thực tế Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2017 trên địa bàn một số huyện. Kết quả kiểm tra cho thấy, hầu hết các địa phương đều thực hiện chưa đúng việc hỗ trợ, đặc biệt hỗ trợ về trâu, bò cho người dân. Qua kiểm tra thực tế, một số hộ dân tại xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé) cho thấy, việc cấp trâu, bò chưa đúng quy định. Cụ thể, theo biên bản mua bán trâu của ông Lỳ Gò Sá thì trâu được 4 năm tuổi, trọng lượng 401kg nhưng qua kiểm tra, đo đạc thực tế thì con trâu mới khoảng 2,5 năm tuổi, trọng lượng đạt 260kg (chênh lệch 141kg). Hộ ông Chu Phí Giá, theo biên bản mua bán thì con trâu 3 năm tuổi, nặng 305kg, nhưng thực tế trọng lượng trâu 250kg, khoảng 2,5 năm tuổi (chênh lệch 55kg so với biên bản mua bán).

Các chương trình MTQG là chính sách nhằm giúp người dân phát triển sản xuất, giảm nghèo. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện ở một số địa phương chưa đúng quy định nên chưa hiệu quả. Ðể các chương trình hỗ trợ trong thời gian tới phát huy hiệu quả, thiết nghĩ trước khi cấp cây, con giống cho dân, cơ quan chức năng cần khảo sát, kiểm tra thực tế, tham khảo ý kiến của dân, tránh cấp tràn lan, không đúng thời vụ, nguyện vọng của người cần hỗ trợ.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top