Phát triển cây chè ở Tủa Chùa

Tăng diện tích nhưng chưa hiệu quả

08:48 - Thứ Năm, 08/11/2018 Lượt xem: 11097 In bài viết

ĐBP - Với gần 25 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện Dự án Trồng chè Tuyết Shan giai đoạn 2009 - 2018 trên địa bàn huyện Tủa Chùa, tính đến hết năm 2017 diện tích chè trồng mới là 370,26ha, nâng tổng diện tích chè trên địa bàn là 595,89ha. tuy nhiên, chỉ có khoảng 300ha cho thu hái thường xuyên (30ha chè cây cao, 270ha chè cây thấp); khoảng 150ha chè có tỷ lệ sống thấp và trên 140ha chè có tỷ lệ sống rất thấp, cây còi cọc hoặc chưa cho thu hoạch... Vậy đâu là nguyên nhân?

 

Người dân xã Sính Phình thu hái chè. Ảnh: Văn Thành Chương

Phát triển cây chè là nhiệm vụ trọng tâm được huyện Tủa Chùa đặt ra trong định hướng phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Do vậy, ngày 21/9/2007 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1055/QÐ-UBND về việc phê duyệt Dự án Quy hoạch phát triển vùng chè ở 4 xã phía Bắc (Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Tả Phìn và Sính Phình). Không thể phủ nhận nguồn thu nhập từ cây chè đã góp phần cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân, đặc biệt là cây chè Tuyết Shan cổ thụ ở xã Sín Chải và Tả Sìn Thàng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng chè bằng nhiều hình thức hỗ trợ đã làm cho diện tích chè tăng đáng kể nhưng hiệu quả kinh tế đem lại thì không như kỳ vọng.

Theo phản ánh của nhiều người dân ở Sín Chải, cây chè giống được Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Ðiện Biên cung cấp có nhiều giống chè khác nhau nên có cây phát triển tốt, có cây kém phát triển hoặc chết sau khi trồng không lâu. Ông Mùa A Chinh, Chủ tịch UBND xã Sín Chải cho biết: Những cây chè giống do người dân tự ươm hoặc lấy ở trong rừng chè về trồng thì phát triển tốt, còn những cây giống do Nhà nước hỗ trợ tỷ lệ sống thấp. Khi cao ngang đầu gối thì cây ra hoa, ra quả chứ không phát triển, có nhiều nhánh và búp như cây chè bản địa. Do vậy, những cây chè trồng từ nguồn giống được hỗ trợ thì người dân bỏ không chăm sóc hoặc nhổ đi để trồng thay thế bằng giống chè địa phương.

Ðể khuyến khích người dân phát triển cây chè, Nhà nước đã có nhiều chương trình hỗ trợ khá hấp dẫn như: hỗ trợ cây giống, phân bón, gạo... Trong đó, hỗ trợ gạo được chi trả bằng tiền mặt cho hộ tham gia trồng chè với mức tương đương 700kg gạo/ha/năm. Do vậy nhiều hộ dân cứ trồng và nhận hỗ trợ, sau đó thấy không hiệu quả thì bỏ không chăm sóc. Hàng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đi nghiệm thu diện tích chè để thực hiện các chính sách hỗ trợ, nhưng kết quả cho thấy diện tích chè mỗi năm đều giảm.

Một nguyên nhân nữa giống như nhiều dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng khác đó chính là đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, việc thu mua, chế biến chè chủ yếu do Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Ðiện Biên thực hiện (theo Quyết định 1055/QÐ-UBND ngày 21/9/2007 của UBND tỉnh). Ngoài ra, còn có Công ty TNHH Trà Phan Nhất, một số thương lái từ nơi khác đến và một số hộ dân tự chế biến, chủ yếu là chè cây cao. Giá chè búp tươi tại xã Sín Chải và Tả Sìn Thàng hiện đang dao động trên dưới 25.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 30.000 đồng/kg. Trong khi đó, chè cây thấp tại xã Sính Phình và Tả Phìn chỉ bán được từ 12.000 - 15.000 đồng/kg (trong đó đã có trợ giá 3.000 đồng/kg từ ngân sách). Mặt khác, theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa, năng suất thu hái chè cây thấp bình quân hiện nay chỉ đạt 4,2 tạ/ha, bằng 1/19 năng suất chè bình quân của cả nước. Trước thực trạng đó nhiều diện tích chè bị bỏ hoang gây lãng phí quỹ đất và nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước!

Trao đổi về vấn đề này, ông Tô Văn Tuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Chè là loại cây công nghiệp dài ngày, đòi hỏi đảm bảo các yếu tố về độ ẩm, đất phải nhiều mùn, giàu dinh dưỡng... phải chủ động nước tưới, trong khi đó nguồn nước sản xuất của huyện chủ yếu dựa vào tự nhiên. Do vậy, diện tích đất phù hợp để tiếp tục mở rộng cho trồng chè không còn nhiều. Phòng cũng đã tổ chức khảo sát đánh giá cụ thể và phân tích các nguyên nhân dẫn đến việc diện tích chè trồng mới hiệu quả thấp. Ðể tháo gỡ vấn đề này, trước mắt, huyện đã báo cáo và đề xuất với UBND tỉnh để xin điều chỉnh một số nội dung của Quyết định 1055/QÐ-UBND ngày 21/9/2007 về việc phê duyệt Dự án Quy hoạch phát triển vùng chè ở 4 xã phía Bắc huyện. Theo đó sẽ dừng trồng mới cây chè (điều chỉnh quy hoạch diện tích chè từ 800ha xuống 600ha) để chăm sóc diện tích chè hiện có và tập trung các giải pháp tìm đầu ra cho cây chè.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là đề xuất từ phía huyện, những bất cập trong việc mở rộng diện tích trồng chè những năm qua có được giải quyết không và theo hướng nào còn phụ thuộc vào cách đánh giá, nhìn nhận vấn đề của các sở, ngành liên quan.

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top