Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh

Thí điểm chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng

15:08 - Thứ Hai, 12/11/2018 Lượt xem: 10953 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Nghị định 99/2010/NĐ - CP của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chi trả dịch vụ này cho chủ rừng từ năm 2013 đến nay với hình thức là chi trả tiền mặt. Tuy nhiên, do số lượng chủ rừng cung ứng DVMTR lớn, địa bàn chi trả chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa nên công tác chi trả gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong quá trình vận chuyển chi trả bằng tiền mặt. Để khắc phục thực trạng này, thực hiện ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 388/TB - TCLN - VP, ngày 27/3/2018 của Tổng cục Lâm nghiệp về kết luận của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng và các giải pháp thực hiện; có nội dung Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh triển khai thí điểm chi trả tiền DVMTR qua hệ thống ngân hàng đối với một số huyện trực thuộc tỉnh làm cơ sở để triển khai nhân rộng trong toàn tỉnh vào năm 2019, Ban điều hành quỹ đã tham mưu cho Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thí điểm áp dụng hình thức chi trả tiền DVMTR qua hệ thống tài khoản Ngân hàng chính sách xã hội.

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chi trả tạm ứng tiền DVMTR lần 1, năm 2018 cho chủ rừng tại bản Chăn Nuôi, xã Nà Khoa (huyện Nậm Pồ).

Bà Đặng Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: Hiện nay, Quỹ đang thực hiện chi trả tiền DVMTR cho 1.607 chủ rừng (4 chủ rừng là tổ chức; 1.603 chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng) tại 104 xã thuộc các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Tủa Chùa và TX. Mường Lay. Hình thức chi trả bằng tiền mặt tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro trong quá trình vận chuyển tiền qua hàng chục cây số trên các đoạn đường đồi núi hoang vắng. Do số lượng chủ rừng lớn, cách xa nhau nên phải huy động cán bộ trực tiếp tham gia chi trả nhiều. Đó là chưa kể đến giao thông tại khu vực dân cư sinh sống cách trở, khó khăn, nhất là vào mùa mưa nên thời gian chi trả kéo dài, phải huy động các phương tiện vận chuyển và lực lượng chức năng bảo vệ; không ít chủ rừng không đến nhận tiền do tác động ngoại cảnh mưa lũ chia cắt… Bên cạnh đó, thủ tục chi trả, xác nhận tiền phức tạp; dễ gây thất thoát trong quá trình chi trả qua các khâu trung gian, tính minh bạch chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát việc chi trả còn nhiều khó khăn, trong khi cán bộ, nhân viên quỹ làm nhiệm vụ trực tiếp chi trả chưa được bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tế với khối lượng chi trả tiền mặt theo từng đợt rất lớn, địa bàn xa xôi, cách trở. Chính vì vậy, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thí điểm áp dụng hình thức chi trả tiền DVMTR qua hệ thống tài khoản Ngân hàng Chính sách Xã hội từ tháng 6/2018. Đây được đánh giá là hình thức chi trả tiết kiệm thời gian, chi phí và an toàn khi ở nhiều địa phương trong toàn quốc đã thí điểm áp dụng và nhân rộng từ vài năm gần đây. Để việc chi trả qua hệ thống tài khoản Ngân hàng Chính sách Xã hội được thuận lợi, nhận được sự đồng thuận của chủ rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, Chi cục Kiểm lâm triển khai tuyên truyền tại các địa phương được quỹ lựa chọn thực hiện thí điểm. Theo đó, 31 chủ rừng là cộng đồng được lựa chọn thí điểm chi trả DVMTR qua tài khoản (huyện Tuần Giáo 10 chủ rừng; huyện Mường Chà 11 cộng đồng và TX. Mường Lay 10 cộng đồng). Cán bộ quỹ phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến cho chủ rừng những thuận lợi, lợi ích của việc chuyển sang hình thức chi trả qua tài khoản ngân hàng thay vì chi trả bằng tiền mặt; hướng dẫn quy trình thủ tục đăng ký tài khoản cũng như các yêu cầu khi thực hiện các giao dịch nhận tiền chi trả… Do hình thức chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng lần đầu tiên triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, còn mới với chủ rừng, nhất là chủ rừng là cộng đồng ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa nên khi mới tuyên truyền một số chủ rừng chưa hiểu rõ nên còn ngại thay đổi sang hình thức chi trả mới này. Tuy nhiên, được cán bộ quỹ giải thích kỹ càng, cụ thể, nhất là những thuận lợi, lợi ích với chủ rừng khi được chi trả bằng tài khoản, như: chủ động hơn trong việc rút tiền, có thể rút một hoặc nhiều lần; trong trường hợp chưa rút tiền thì ngân hàng trả lãi suất theo quy định… Từ đó, người dân đã hiểu và nhất trí với phương thức chi trả tiền DVMTR qua tài khoản này. Đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã mở 31 tài khoản cho các chủ rừng tại các địa bàn thực hiện việc chi trả thí điểm trên. Trong đợt tạm ứng lần 1 năm 2018 vừa qua, quỹ đã chuyển tiền qua tài khoản cho các cộng đồng này với tổng số tiền hơn 3,6 tỷ đồng (mức tạm ứng chi trả 300.000 đồng/ha).

Theo đánh giá của bà Đặng Thị Thu Hiền, việc thí điểm thực hiện chi trả tiền DVMTR qua tài khoản Ngân hàng Chính sách Xã hội bước đầu triển khai thuận lợi, được người dân tán đồng, ủng hộ. Với đơn vị thực hiện chi trả tiết kiệm được thời gian, chi phí lại đảm bảo an toàn. Chính vì vậy, quỹ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan mở rộng chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng Chính sách xã hội tới các chủ rừng tại những nơi có điều kiện thuận lợi để kịp chi trả cho bà con tiền tạm ứng đợt 2 vào cuối tháng 12/2018.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top