Thương mại điện tử

Xu thế phát triển trong sản xuất kinh doanh

09:23 - Thứ Tư, 14/11/2018 Lượt xem: 11561 In bài viết

ĐBP - Tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, mở rộng không gian kinh doanh, tạo thuận lợi trong giao dịch… là những lợi ích thiết thực, hiệu quả của thương mại điện tử (TMĐT) mang lại. Bởi vậy, những năm qua hoạt động giao dịch thương mại thông qua internet được tích cực triển khai và được xem là xu thế phát triển mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

 

Siêu thị Hoa Ba là một trong những doanh nghiệp đưa TMĐT vào sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại Siêu thị.

Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính yếu nên chưa chú trọng đầu tư khai thác ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động kinh doanh điện tử. Bên cạnh đó, việc mua sắm online cũng chưa thực sự phổ biến tạo cản trở lớn đối với việc thúc đẩy sự phát triển TMĐT trên địa bàn… Với mục tiêu đưa TMĐT trở thành xu thế phát triển sản xuất kinh doanh được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong các cơ quan quản lý Nhà nước và đại bộ phận các doanh nghiệp, thời gian qua Sở Công Thương phối hợp với các ngành chức năng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của TMĐT. Ngành tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các đối tượng là cán bộ, doanh nghiệp. Để giúp các doanh nghiệp tổ chức hoạt động trang web hiệu quả, thu hút lượng khách truy cập tìm hiểu thông tin, định kỳ hàng năm đơn vị đều tổ chức các khóa tập huấn, trang bị kiến thức, cập nhật những thông tin mới có liên quan trên sàn giao dịch. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 9 đề án TMĐT được phê duyệt, trong đó 4 đề án thuộc chương trình phát triển TMĐT quốc gia. Với tổng kinh phí dành cho hoạt động TMĐT đã triển khai thực hiện 409,266 triệu đồng.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, phát triển TMĐT là nhu cầu cần thiết để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi cho các bên giao dịch. Nhiều năm qua, đã có hàng chục doanh nghiệp trên địa bàn thành lập trang web, liên kết các kênh youtube, facebook. Trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, ăn uống, lương thực thực phẩm, như: Trung tâm Thương mại Him Lam Plaza, Công ty TNHH Trà Phan Nhất, Nhà hàng Ngọc Mai, Nhà hàng Hương Đồng Nội... Theo ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc Sở Công Thương: Hiện nay nhu cầu mở website của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh lớn. Song để công tác hỗ trợ thực sự phát huy hiệu quả, đúng mục đích thì việc xét duyệt thẩm định, sàng lọc là khâu quan trọng. Khi doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện về cơ sở hạ tầng, sản phẩm đảm bảo chất lượng, chiến lược kinh doanh ổn định mới được thụ hưởng chính sách hỗ trợ.

Quyết định 637/QĐ-UBND ngày 12/5/2016 của UBND tỉnh về phát triển TMĐT giai đoạn 2016 - 2020 đặt mục tiêu, phấn đấu trên 90% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong hoạt động giao dịch và trao đổi thông tin; 20% doanh nghiệp có xây dựng website riêng, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp; sử dụng website TMĐT để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 40% hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, viễn thông sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ thanh toán và thanh toán qua phương tiện điện tử. Ngoài ra, về nguồn nhân lực đảm bảo 90% cán bộ quản lý Nhà nước và doanh nghiệp biết đến lợi ích của TMĐT và cập nhật kiến thức mới về TMĐT trên các phương tiện thông tin truyền thông. 500 lượt cán bộ quản lý Nhà nước và doanh nghiệp được tham dự các khóa đào tạo ngắn hạn về TMĐT, với tổng kinh phí triển khai hơn 6 tỷ đồng… Hy vọng, với sự phối hợp triển khai đồng bộ, tích cực của đơn vị chức năng và hơn hết các doanh nghiệp, tổ chức thì TMĐT sẽ là công cụ hữu hiệu góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Từ đó đóng góp đáng kể trong việc thúc đẩy các thành phần kinh tế của tỉnh ngày một phát triển.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top