Thành công dự án sản xuất giống cá Lăng chấm

09:14 - Thứ Sáu, 16/11/2018 Lượt xem: 10698 In bài viết

ĐBP - Ðể chủ động cung cấp giống cá Lăng chấm phục vụ nhu cầu nuôi thương phẩm, tái tạo nguồn lợi thủy sản, từng bước mở rộng mô hình nuôi cá Lăng chấm trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần nâng cao sản lượng và thu nhập cho người chăn nuôi thủy sản, từ tháng 4/2017, Trung tâm Thủy sản tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai Dự án khoa học “Ứng dụng công nghệ sản xuất giống cá Lăng chấm”. Qua đánh giá, bước đầu dự án thành công, mang lại hiệu quả tích cực.

 

Các cơ quan chuyên môn kiểm tra, đánh giá chất lượng cá nuôi ương tại Trung tâm Thủy sản tỉnh.

Dự án được triển khai trong 2 năm (từ tháng 4/2017 - 4/2019) tại Trung tâm Thủy sản tỉnh, với tổng kinh phí thực hiện trên 500 triệu đồng. Dự kiến, trong thời gian này sản xuất được từ 20.000 - 30.000 con cá Lăng chấm giống cỡ 10 - 12cm. Ðến nay, sau hơn 1 năm nghiên cứu, cùng với những thất bại cả về công sức lẫn kinh phí, cuối cùng niềm vui đã đến với cán bộ, công nhân viên của Trung tâm Thủy sản tỉnh khi các mục tiêu, chỉ tiêu của dự án đã và đang thành công ngoài mong đợi. Cụ thể, qua kiểm tra, cá lăng chấm tại ao ương giống đạt, cá bột 10.866 con; cá hương 5.445 con; cá giống 3.300 con. Tỷ lệ đẻ đạt từ 57 - 100%; tỷ lệ thành thục đạt 76,6%, trong khi chỉ tiêu đề ra là 70%; tỷ lệ sống từ cá bột lên cá hương, tỷ lệ sống từ cá hương lên cá giống đạt chỉ tiêu đề ra…

Ông Nguyễn Thế Truyền, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thủy sản tỉnh nhấn mạnh: Ðể việc sản xuất giống cá Lăng chấm thành công là vô cùng khó khăn. Trung tâm đã phối hợp với đơn vị chuyển giao Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I từ khâu chuyển giao lý thuyết đến hướng dẫn thực hành đúng theo quy trình. Nội dung tiếp nhận công nghệ gồm nuôi vỗ, chọn cá cho đẻ, tiêm kích dục tố, kỹ thuật vuốt trứng, mổ sẹ, thụ tinh, ương ấp, nuôi cá bột lên cá hương, cá hương lên cá giống. Thế nhưng để thực hiện được đúng quy trình là một vấn đề không hề dễ dàng. Bởi ngay từ diện tích ao nuôi, độ sâu nước, bùn cũng phải thực hiện nghiêm ngặt. Chế độ ăn uống đúng quy định, 2 lần/ngày vào 8 giờ sáng và 4 giờ chiều. Việc chọn lọc cá bố mẹ để sinh sản trọng lượng trung bình 1,7kg/con, có ngoại hình cân đối, đồng đều, khỏe mạnh, không xây xát. Phải sử dụng 100% thức ăn tươi sống là cá tạp. Trước khi đem chế biến làm thức ăn cho cá bố mẹ, cá tạp được rửa sạch, mổ bụng cá bỏ ruột, chặt nhỏ (1 - 2cm) sau đó cho thức ăn vào sàng. Ðặc biệt, thời gian sinh sản là quan trọng nhất. Vào cuối tháng 4 - 6 hàng năm, khi nhiệt độ nước ao nuôi vỗ đạt 26 - 300C thì tiến hành chọn cá bố mẹ thành thục tiêm kích dục tố cho cá 2 lần, mỗi lần cách nhau từ  22 - 26 giờ. Sau khi tiêm cho cá bố mẹ riêng rẽ vào hệ thống bể xi măng cho nước thường xuyên chảy nhẹ kết hợp sục khí đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan luôn cao hơn 5,5mg/l để kích thích quá trình động hớn của cá.

Cũng theo ông Nguyễn Thế Truyền, không chỉ khó khăn trong việc nuôi nhốt, quá trình thụ tinh nhân tạo rất phức tạp ở chỗ: Có thể kích thích cá mẹ đẻ trứng mỗi năm một lần như trong tự nhiên, nhưng để có tinh trùng, buộc phải mổ cá đực để lấy tinh. 18 giờ sau khi tiêm lần 2 tiến hành kiểm tra cá cái, lật ngửa cá, dùng tay ấn nhẹ lên bụng cá cái nếu thấy trứng chảy ra thì bắt cá đực và mổ. Trong cùng thời gian, tiến hành vuốt trứng cá cái và mổ cá đực thao tác thụ tinh phải làm hết sức nhanh chóng, không để thời gian chết gây ảnh hưởng xấu tới tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ nở. Bên cạnh đó, các khâu ấp trứng; ương cá bột lên cá hương và ương cá hương lên cá giống cũng rất khó khăn, nếu không tỷ lệ cá giống sống sót sẽ rất thấp. Nhờ áp dụng và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, quy trình về sản xuất nên có thể nói đến thời điểm này cơ bản dự án đã thành công. Hiện nay, trung tâm đã tiếp nhận thành công quy trình sản xuất giống cá Lăng chấm và có thể chủ động sản xuất được con giống tại đơn vị trong những năm tiếp theo.

Cá Lăng chấm là loại cá da trơn, có giá trị thương phẩm cao và đang có nguy cơ tuyệt chủng. Thành công trong việc sản xuất cá Lăng chấm giống bằng phương pháp nhân tạo sẽ mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh, người chăn nuôi có thể chủ động về con giống để phát triển trên diện rộng. Ðồng thời, khẳng định thêm những bước tiến mới về sự trưởng thành và phát triển của đội ngũ các nhà nghiên cứu, nhà khoa học cũng như các cơ quan quản lý của tỉnh trong quá trình tiếp cận với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến. Góp phần đưa nhiều giống vật nuôi mới có chất lượng và hiệu quả cao vào sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nuôi thủy sản. Hạn chế việc khai thác bừa bãi nguồn thủy sản ngoài tự nhiên, góp phần bảo tồn nhiều loài thủy sản quý hiếm. Từ đó, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người nuôi thủy sản.

Bài, ảnh: Thu Phương
Bình luận
Back To Top