Tìm hướng thoát nghèo cho Nậm Cứm

09:24 - Thứ Năm, 22/11/2018 Lượt xem: 11019 In bài viết

ĐBP - Chúng tôi ghé thăm bản Nậm Cứm, xã Ngối Cáy (huyện Mường Ảng) vào cuối tháng 10. Nậm Cứm là một trong hai bản vùng cao, xa xôi nhất của xã Ngối Cáy; chính vì vậy đường vào bản cũng rất nhọc nhằn, phải trải qua những cung đường đất quanh co khúc khuỷu...

 

Ða số phụ nữ bản Nậm Cứm mặc dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng đều đã có từ 3 con trở lên.

Sau gần 1 giờ xuất phát từ trung tâm xã chúng tôi đã có mặt ở bản Nậm Cứm. Ði sâu vào trong bản, nhìn những căn nhà gỗ lợp pro xi măng, lợp tranh đã ngả màu đen nằm chênh vênh theo sườn đồi, giúp tôi phần nào hiểu được cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, vất vả... Từng tốp từ 3 - 5 đứa trẻ khoảng 2 - 4 tuổi, đứa nào cũng đầu trần, chân đất, tóc vàng hoe; đứa chỉ mặc mỗi áo, đứa mặc mỗi quần, mặt mũi lem luốc đang túm tụm nô đùa. Khi tôi đưa ống kính máy ảnh lên để ghi lại những khoảnh khắc đó thì đứa lớn bỏ chạy, đứa bé không chạy được nên khóc toáng lên...

Người đầu tiên chúng tôi gặp là ông Hờ A Dê, người uy tín của bản. Ðiều khiến chúng tôi thắc mắc là trong bản 100% người dân tộc Mông sinh sống nhưng tên bản lại lấy theo tên của dân tộc Thái. Ông Hờ A Dê cho biết: Người dân trong bản đều là dân di cư từ các huyện khác trong tỉnh và ở Sơn La sang từ năm 1995, sống quây quần trên các sườn đồi. Ðến năm 1997, được chính quyền công nhận thành lập bản với 12 hộ ban đầu và lấy tên bản là Nậm Cứm. Theo tên gọi của người Thái, “Nậm” dịch ra tiếng phổ thông nghĩa là nước, “Cứm” nghĩa là lạnh, “Nậm Cứm” nghĩa là nước lạnh. Nơi đây khá cao lại gần với nguồn nước từ trong khe núi chảy ra nên lạnh quanh năm. Cũng chính vì vậy mà vào mùa đông hầu như cả bản lúc nào cũng chìm trong sương mù...

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Nậm Cứm là bản cái gì cũng nghèo (nghèo đường, nghèo điện, nghèo kinh tế...) nhưng lại rất “giàu” con cái. Nhà ít cũng sinh 3 con, nhà nhiều thì 10 đứa; nhà 1 con chỉ là những hộ mới lập gia đình được 1 - 2 năm nên chưa kịp đẻ thêm. Ðông con nhất phải kể đến gia đình anh Mùa Giống Dia và chị Hờ Thị Vừ với 10 người con; 2 vợ chồng đều sinh năm 1970, nhưng đã lên chức ông bà nội, ngoại chục năm nay. Gia đình anh Dia con trai lớn sinh năm 1990, đến nay đã lập gia đình và có 2 con; còn người con út của ông bà sinh năm 2007, hiện đang học lớp 6, là người may mắn hơn so với anh chị vì vẫn đang được đi học. Gia đình anh Mùa A Lầu, chị Vàng Thị Di, 2 vợ chồng năm nay 33 tuổi nhưng đã có tới 5 người con; con đầu năm nay 16 tuổi, con út 5 tuổi. Hay anh Vàng A Só sinh năm 1984, là y tá thôn bản và là cộng tác viên dân số, có 5 người con (4 gái 1 trai) nhưng hiện nay vợ anh, chị Giàng Thị Cá đang mang bầu đứa thứ 6. Khi được hỏi tại sao làm cộng tác viên dân số để tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình đến người dân mà vẫn sinh nhiều con thế? anh Só chia sẻ: Vẫn biết sinh con thứ 3 trở lên là vi phạm chính sách dân số; nhưng cái tục của người Mông mình cần có ít nhất 2 người con trai để có người làm và về già thì có thể trông nhờ; mình chỉ cố thêm 1 thằng con trai nữa là được.

Tảo hôn và đông con đang làm cho cuộc sống người dân nơi đây trở nên đói, nghèo, lạc hậu... Dựa vào thông tin trên có thể nhẩm tính, những người phụ nữ ở Nậm Cứm lấy chồng từ năm 17 tuổi; sau đó, chưa đầy 2 năm lại sinh 1 đứa con mà sinh từ 5 - 10 đứa như thế có nghĩa phụ nữ nơi đây chỉ dành thời gian để đẻ và nuôi con.

100% người dân ở Nậm Cứm, sinh sống bằng nông nghiệp. Nhiều năm qua, người dân chủ yếu làm lúa nương, trồng ngô, sắn và đậu tương. Nhưng do tập tục canh tác lạc hậu, trình độ người dân còn hạn chế, chỉ trồng mà chưa chú trọng khâu chăm sóc dẫn đến năng suất chưa cao. Theo thống kê, toàn bản hiện có 57ha lúa nương, 10ha ngô; năng suất rất thấp (lúa nương 12,4 tạ/ha; ngô đạt 30 tạ/ha) sản lượng lương thực bình quân ước đạt 270kg/người/năm. Hàng năm, người dân vẫn thiếu đói, tập trung nhiều từ tháng 7 - 9. Cả bản có 55/57 hộ thuộc diện nghèo; 2 hộ cận nghèo.

Mang câu chuyện Nậm Cứm trao đổi với các đồng chí lãnh đạo UBND xã Ngối Cáy; ông Nguyễn Ðức Quang, Bí thư Ðảng ủy xã cho biết: Ngối Cáy là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (chiếm 57,13%), và Nậm Cứm là 1 trong 2 bản vùng cao khó khăn nhất của xã. Những năm qua xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, pháp luật cả Nhà nước đến người dân, đặc biệt là các bản vùng cao; chủ động thực hiện các chế độ chính sách của Ðảng, Nhà nước đến bà con một cách sớm nhất. Nhưng do điều kiện đường sá đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa, cộng với chưa có điện lưới quốc gia nên việc tiếp cận thông tin, khoa học kỹ thuật mới của người dân còn hạn chế; việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi còn chậm. Ðầu năm 2018, xã đã triển khai trồng thí điểm 3,3ha cây xoài ghép ở bản Nậm Cứm; nếu hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương sẽ nhân rộng trong những năm tới. Ngoài ra, xã cũng đang có chủ trương vận động bà con cải tạo diện tích đất nương hiện có thành đất nương có bờ để thuận tiện cho việc canh tác...

Xóa đói giảm nghèo cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân; đặc biệt là việc xóa đói giảm nghèo ở các bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Ðể giải bài toán xóa đói giảm nghèo ở Nậm Cứm, thiết nghĩ đầu tư đảm bảo cơ sở hạ tầng để thúc đẩy giao lưu, giao thương; nâng cao nhận thức về dân số - kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân là việc cần được quan tâm. Từ đó, từng bước giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng phát triển kinh tế hộ gia đình...

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top