Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia

Cung không đủ cầu

09:07 - Thứ Sáu, 23/11/2018 Lượt xem: 10230 In bài viết

ĐBP - Theo dự toán, Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2014 - 2020 tỉnh Ðiện Biên thuộc Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 hoàn thành sẽ cấp điện cho hơn 12.900 hộ tại 276 thôn, bản trên địa bàn 81 xã thuộc 8 huyện: Ðiện Biên, Tủa Chùa, Mường Ảng, Tuần Giáo, Ðiện Biên Ðông, Mường Nhé, Mường Chà, Nậm Pồ. Tuy nhiên, nguồn vốn bố trí cho dự án hàng năm thấp, “cung không đủ cầu” dẫn tới các chi phí tư vấn, quản lý dự án được phân bổ cũng rất thấp và khó có thể triển khai thực hiện các nội dung đầu tư.

 

Nhờ các chương trình, dự án nhiều địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng thụ điện. Trong ảnh: Công nhân Ðiện lực Tủa Chùa chỉnh trang lưới điện.

Với mục tiêu cấp điện cho khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2014 - 2020 thuộc Chương trình cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo có tổng mức đầu tư 841 tỷ đồng. Dự án xây dựng mới hệ thống lưới điện gồm 487km đường dây trung áp 35kV, hệ thống các trạm biến áp 35/0,4kV gồm 206 trạm biến áp/10.796kVA, 605km đường dây hạ áp, 12.953 công tơ. Ðến nay, Sở Công Thương đã triển khai thực hiện 7 gói thầu xây lắp, trong đó hoàn thành 5 gói (16, 17, 18, 19, 20), bao gồm 17 trạm biến áp với dung lượng 1.037KVA; 47,8km đường trung áp 35kV, 39km đường hạ áp 0,4Kv; cấp điện cho 1.011 hộ dân thuộc 19 bản của 3 xã: Huổi Lếch (huyện Mường Nhé), Huổi Mí (huyện Mường Chà) và Pú Xi (huyện Tuần Giáo). Cuối năm 2017, chủ đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện 2 gói thầu xây lắp số 21, 22. Quy mô đầu tư gồm 7 trạm biến áp với dung lượng 651,5KVA, 13,37km đường dây trung áp 35kV, 12,44km đường dây hạ áp 0,4kV với mục tiêu cấp điện cho 533 hộ dân của 9 bản thuộc địa bàn 5 xã của huyện Nậm Pồ. Sau khi hoàn thành công tác đầu tư xây dựng 5 gói thầu xây lắp trên, Sở đã bàn giao toàn bộ các công trình lưới điện trên cho Công ty Ðiện lực Ðiện Biên tiếp nhận, tổ chức quản lý vận hành và bán điện cho các hộ dân. Với những công trình lưới điện được đầu tư xây dựng đã phục vụ lợi ích chung về kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh chính trị và an toàn xã hội, đặc biệt là vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh.

Hàng năm, trên cơ sở tình hình triển khai dự án và kế hoạch thực hiện, Sở Công Thương đã lập kế hoạch đăng ký vốn cho Dự án. Song điều khiến ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc Sở Công Thương băn khoăn nhất hiện nay là nguồn vốn hàng năm bố trí cho Dự án thấp “cung không đủ cầu” nên chưa đáp ứng nhu cầu triển khai. Cụ thể là với nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2015, đăng ký kế hoạch vốn 30 tỷ đồng song vốn phân bổ và bố trí cho dự án là 25 tỷ đồng; năm 2016, đăng ký kế hoạch vốn 200 tỷ đồng, vốn bố phân bổ và bố trí cho dự án chỉ 20 tỷ đồng; năm 2017, đăng ký kế hoạch vốn 144 tỷ đồng, vốn phân bổ và bố trí cho dự án chỉ được 15 tỷ đồng; còn năm 2018, đăng ký kế hoạch vốn 50 tỷ đồng thì vốn phân bổ và bố trí 14 tỷ đồng. Ngoài ra, vốn do EU tài trợ, năm 2018 đăng ký kế hoạch vốn 50 tỷ đồng nhưng chỉ được phân bổ, bố trí cho dự án 14 tỷ đồng.

Trong điều kiện nguồn vốn bố trí hàng năm thấp, chưa đáp ứng nhu cầu, dẫn tới các chi phí tư vấn, quản lý dự án hàng năm được phân bổ cũng rất thấp, khó triển khai thực hiện các nội dung đầu tư. Tổng kế hoạch vốn bố trí cho Dự án giai đoạn 2015 - 2020 được phân bổ hơn 316/841 tỷ đồng. Trong đó, hơn 143 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, 53 tỷ đồng ngân sách địa phương và 120 triệu đồng do nguồn vốn EU tài trợ. Như vậy, với số vốn bố trí này chỉ đáp ứng được 37% tổng nhu cầu vốn, còn lại chưa được phê duyệt về vốn. Không chỉ khó khăn về vốn, vùng triển khai dự án còn là địa bàn đặc biệt khó khăn, hệ thống giao thông chủ yếu là đường nông thôn đang mở tuyến và đường dân sinh nhỏ hẹp, không có cầu khi qua suối, địa hình hiểm trở dẫn đến việc thi công, vận chuyển vật tư, thiết bị công trình gặp khó khăn. Những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công công trình. Ngoài ra, một số tuyến đường dây trung áp và trạm biến áp có hành lang tuyến và móng cột nằm trong diện tích rừng, trình tự, thủ tục thu hồi chuyển đổi mục đích sử dụng phức tạp, kéo dài. Ðể Dự án tiếp tục triển khai thực hiện hoàn thành đảm bảo chất lượng, Sở Công Thương đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung thực hiện các gói thầu còn lại. Ðồng thời, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi chuyển đổi mục đích rừng, đất ruộng, đền bù cho người dân theo đúng quy định hiện hành. Song song với đó, ngành cũng đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hướng dẫn triển khai thực hiện Dự án trong thời gian tới, nhất là xử lý những việc có liên quan đến các chi phí đầu tư đã thực hiện đấu thầu trong giai đoạn 2015 - 2017 đang thực hiện dở dang hoặc chưa thực hiện. Cũng như tiếp tục quan tâm bố trí nguồn vốn thực hiện Dự án từ các nguồn hợp pháp khác trong giai đoạn 2018 - 2020.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top