Hiệu quả mô hình trồng nấm ở xã Thanh Minh

10:01 - Thứ Tư, 28/11/2018 Lượt xem: 11194 In bài viết

ĐBP - Trồng nấm là mô hình kinh tế không cần quá nhiều vốn, quy trình chăm sóc đơn giản nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian qua, nhiều hộ dân xã Thanh Minh (TP. Ðiện Biên Phủ) đã đưa vào trồng thử nghiệm mô hình nấm sò, nấm rơm, bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập.

 

Nông dân xã Thanh Minh chăm sóc nấm.

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng nấm của gia đình chị Lường Thị Tiện, bản Co Củ vào đúng dịp nấm đang cho thu hoạch. Tận mắt chứng kiến chị Vân cẩn trọng thu hoạch từng bịch nấm chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui của họ khi “trồng cây đến ngày hái quả”. Chị Tiện chia sẻ: Kỹ thuật chăm sóc nấm không khó, chỉ cần khu vực trồng nấm được che chắn cẩn thận, thoáng mát, chỉ sau 1 tháng là có thể thu hoạch được, với người làm nông thì tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn như: rơm, mùn cưa… đem khử trùng qua nước vôi, đánh đống, khoảng từ 4 - 5 ngày đóng thành bịch rồi cấy giống vào. Giá bán nấm hiện nay cũng khá ổn định, nếu so sánh hiệu quả kinh tế thì trồng nấm thu nhập cao gấp 3 - 4 lần trồng lúa.

Ðược biết, chị Tiện là một trong những thành viên tích cực của 1 trong 2 nhóm trồng nấm mới được hình thành ở xã Thanh Minh. Tháng 9/2018, 30 học viên là phụ nữ xã Thanh Minh được tham gia lớp học nghề trồng nấm do Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ việc làm (Hội Nông dân tỉnh) phối hợp với Phòng Kinh tế TP. Ðiện Biên Phủ tổ chức. Sau 44 ngày tham gia lớp học, được trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng nấm, nhận thấy đây là mô hình đầu tư ít vốn, lại không cần diện tích lớn nên các học viên chia làm 2 nhóm, mạnh dạn góp vốn đầu tư trồng nấm rơm, nấm sò tại gia đình. Nhờ tích cực chăm sóc, học hỏi kinh nghiệm, mô hình trồng nấm bước đầu cho hiệu quả. Chị Cà Thị Vân, nhóm trưởng chia sẻ: Sau khi tham gia lớp học nghề chúng tôi đã thành lập nhóm gồm 7 thành viên, đóng góp mỗi người 200.000 đồng để mua giống, túi bóng… rồi tận dụng nguồn nguyên liệu rơm rạ sau khi thu hoạch lúa để trồng nấm. Từ số vốn góp được, chúng tôi đóng được gần 500 bịch nấm sò và 14 mô nấm rơm. Sau gần 1 tháng, nấm bắt đầu cho thu hoạch. Hiện tại giá nấm sò trên thị trường trung bình khoảng 50.000 đồng/kg, nấm rơm từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, nhờ đó, thu nhập từ bán nấm góp phần cải thiện cuộc sống cho nhiều  gia đình. 

Ông Cà Văn Tân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Minh cho biết: Hội Nông dân xã hiện có 510 thành viên, do điều kiện kinh tế hạn chế nên hầu hết các hộ gia đình không có nhiều vốn để đầu tư phát triển các mô hình kinh tế lớn mà chủ yếu là trồng ngô, lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong khi đó, trồng nấm  cần vốn ít, quy trình kỹ thuật không khó, chủ yếu đòi hỏi người trồng phải tỉ mỉ, cẩn thận thực hiện đúng các quy trình từ khâu chọn giống, nguyên liệu đến chăm sóc và thu hoạch. Nhất là phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra quá trình phát triển của nấm để có biện pháp can thiệp kỹ thuật kịp thời giúp nấm phát triển tốt hơn. Hơn nữa, vì hầu hết nhà của người dân ở đây đều là nhà sàn nên việc tận dụng gầm sàn để làm nơi nuôi trồng nấm rất thuận lợi. Hiện tại, mô hình trồng nấm trên địa bàn xã đang phát triển tốt, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Thời gian tới, Hội sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã có giải pháp nhân rộng mô hình, khuyến khích người dân đầu tư vào trồng nấm để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top