Huyện Ðiện Biên sản xuất rau vụ đông

09:14 - Thứ Sáu, 30/11/2018 Lượt xem: 11170 In bài viết

ĐBP - Theo kế hoạch, vụ đông 2018 toàn huyện Ðiện Biên gieo trồng khoảng 500ha rau màu các loại (cải, bắp cải, cà chua, đỗ xanh...); trong đó, sản xuất trên diện tích chuyên canh chiếm 90%, còn lại trên đất lúa. Phần lớn diện tích tập trung ở các xã vùng lòng chảo, như: Thanh Luông, Thanh Hưng, Noong Luống; Thanh Xương, Pom Lót, Noong Hẹt, Sam Mứn... Xác định sản xuất rau vụ đông cũng là vụ chính mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân, nên cơ quan chuyên môn của huyện thường xuyên phối hợp với chính quyền các xã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ thuật làm đất, gieo trồng và chăm sóc các loại rau.

 

Nông dân thôn C2, xã Thanh Yên chăm sóc cây đỗ xanh. Ảnh: Thành Ðạt

Thanh Luông là một trong những xã có diện tích rau màu lớn nhất huyện Ðiện Biên, chiếm khoảng 30% diện tích rau màu toàn huyện. Nhận thấy rau vụ đông mang lại giá trị kinh tế cao nên sau khi thu hoạch vụ mùa, xã hướng dẫn người dân chủ động làm đất để trồng cây vụ đông. Chị Quàng Thị Minh, đội 6 cho biết: Sau khi thu hoạch xong vụ mùa, gia đình tôi  tập trung làm đất trồng rau màu. Vụ đông năm nay, gia đình tôi trồng hơn 2.000m2 các loại rau, như: su hào, bắp cải, dưa leo...  Trồng rau tuy vất vả, tốn nhiều công chăm sóc nhưng cho thu nhập ổn định hơn cây lúa. Ðơn cử như đỗ xanh, với giá bán từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, nếu trồng 1.000m2 sau khi trừ chi phí cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng mỗi vụ.

Thanh Luông có chủ trương để đưa vụ đông trở thành 1 trong 3 vụ sản xuất chính trong năm, nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho nhân dân, cấp ủy, chính quyền xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hệ số, vòng quay của đất nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên cùng đơn vị diện tích đất. Trong đó, tập trung vào những vùng đất có lợi thế, thích hợp trồng màu để xây dựng thành những vùng sản xuất rau màu lớn. Với định hướng này, hàng năm xã đã chỉ đạo mỗi thôn, bản xây dựng một vùng chuyên canh rau màu tối thiểu từ 3 - 5ha, vì vậy diện tích rau màu vụ đông trên địa bàn xã không ngừng được mở rộng, hiệu quả kinh tế ngày một tăng cao. Nếu năm 2010, toàn xã chỉ trồng được 30ha cây vụ đông, giá trị khoảng 36 triệu đồng/ha, thì đến nay diện tích sản xuất vụ đông đã tăng lên gần 100ha, giá trị sản xuất đạt 48 triệu đồng/ha. Vụ đông năm nay, toàn xã phấn đấu gieo trồng khoảng 100ha rau màu các loại. Hiện nay, nông dân các thôn, đội trong xã đã gieo trồng cây vụ đông trên nhiều diện tích và trở thành vụ sản xuất chính trong năm, đem lại nguồn thu nhập khá cho nhiều gia đình. Các hộ trồng rau tập trung nhiều nhất ở đội 2, 3 và 13 của xã.

Cũng như xã Thanh Luông, hiện các xã trên địa bàn huyện Ðiện Biên đều đã bước vào sản xuất vụ đông. Theo ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên, thì: Ðể sản xuất cây vụ đông đạt kết quả cao, ngay từ đầu vụ huyện Ðiện Biên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xác định thế mạnh đất đai, khí hậu, thủy lợi của từng địa phương để lựa chọn các loại rau màu phù hợp, hiệu quả; đồng thời chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể huyện lồng ghép nội dung phát triển sản xuất vụ đông vào các phong trào hoạt động và trong sinh hoạt của các tổ chức hội nhằm thay đổi nhận thức cho người dân. Xây dựng và nhân rộng một số mô hình mẫu là các hộ sản xuất điển hình trong vụ đông đem lại hiệu quả kinh tế cao; tăng cường tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại và quản lý chất lượng nông lâm sản. Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật huyện... thường xuyên phối hợp với chính quyền các xã tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh, cơ giới hóa trong sản xuất, mở rộng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; chuẩn bị đầy đủ giống, vật tư, phân bón đảm bảo đủ số lượng và chất lượng. Ðể vụ đông đạt kết quả tốt, các cơ quan chuyên môn phân công cán bộ phối hợp với xã thường xuyên kiểm tra, bám sát quy trình sản xuất, kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn nông dân; thường xuyên theo dõi các loại sâu bệnh trên rau màu để kịp thời xử lý, không để sâu bệnh lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng rau màu.

Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top