Kiên cố hóa công trình thủy lợi để phát triển sản xuất

09:29 - Thứ Hai, 03/12/2018 Lượt xem: 10951 In bài viết

ĐBP - Nhằm phục vụ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp, thâm canh tăng vụ, khai hoang mở rộng diện tích ruộng nước, những năm qua, từ nhiều nguồn vốn (ngân sách địa phương, Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, vốn phát triển nông nghiệp nông thôn) tỉnh ta đã tập trung kiên cố hóa hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn.

 

Tuyến kênh thủy lợi Na Dên, xã Mường Pồn (huyện Ðiện Biên) được bê tông hóa bằng nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thời điểm này, nông dân đội 3, xã Noong Hẹt (huyện Ðiện Biên) đang tập trung dọn bờ thửa, chuẩn bị sản xuất vụ lúa mới. Ông Lò Quang Hòa, đội 3 cho biết: Trước đây, tuyến kênh chỉ là kênh đất nên nước tưới cho hơn 20ha ruộng của đội nhiều khi bị thiếu. Ngoài ra, tuyến kênh này còn phục vụ tiêu úng cho 15ha lúa vụ mùa của xã Noong Hẹt. Cứ đến mùa mưa, nước từ cánh đồng phía trên đổ về nhưng do là kênh đất, lòng kênh nhỏ nên tiêu nước không kịp, gây ngập úng cục bộ. Do đó, khi tuyến kênh được bê tông hóa, chúng tôi rất phấn khởi. Trong quá trình thi công, người dân đội 3 đóng góp ngày công cùng đơn vị thi công vét bù, đắp đất mang kênh toàn tuyến, trị giá khoảng 70 triệu đồng.

Huyện Ðiện Biên có diện tích lúa lớn nhất tỉnh và liên tục được mở rộng qua các năm. Trên địa bàn huyện tuy có công trình đại thủy nông Nậm Rốm nhưng chỉ hệ thống kênh cấp 1 và một phần kênh cấp 2 được kiên cố hóa, còn hệ thống kênh cấp 3 vẫn đang là mương đất. Bên cạnh đó, tại các xã khu vực trên kênh Nậm Rốm, vùng cao, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ nên nhiều diện tích thiếu nước sản xuất 2 vụ. Do đó, UBND huyện Ðiện Biên chú trọng công tác kiên cố hóa kênh mương, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi để khai thác bãi tưới, tăng diện tích lúa 2 vụ. Bà Nguyễn Thị Huyền, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: Năm 2018, huyện đầu tư sửa chữa, xây dựng mới 66 công trình thủy lợi, kênh mương. Hiện nay, phần lớn các công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng hoặc sẽ hoàn thành trước thời điểm sản xuất vụ đông xuân năm 2018 - 2019. Ngoài ra, còn có một số công trình thủy lợi nhỏ do UBND các xã làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Năm 2018, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được UBND huyện giao phụ trách 16 dự án thủy lợi với tổng mức đầu tư 10,9 tỷ đồng, trong đó: 7 dự án khởi công mới và 9 dự án nâng cấp sửa chữa nhằm kiên cố hóa 4,8km kênh mương, đảm bảo nước tưới ổn định cho 367,5ha lúa 2 vụ. Hiện nay, 11/16 dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, các công trình còn lại dự kiến bàn giao trước ngày 25/12/2018. Thời điểm này, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã vận động người dân ra đồng dọn cỏ, khơi thông kênh mương sẵn sàng cho ngày 25/12 tháo nước về ruộng để làm đất sản xuất vụ đông xuân.

Mường Chà có diện tích lúa 2 vụ ít hơn, phân bố không tập trung. Ðể khuyến khích người dân khai hoang, mở rộng diện tích sản xuất, hàng năm UBND huyện Mường Chà tập trung đầu tư các công trình thủy lợi, đập dâng nước. Năm 2018, toàn huyện có 8 công trình được đầu tư mới, 2 công trình được nâng cấp, sửa chữa. Ðến nay, cơ bản các công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng, các bãi tưới bắt đầu được người dân khai hoang. Ông Hạng A Nánh, Bí thư Ðảng ủy xã Ma Thì Hồ cho biết: Năm nay, xã được UBND huyện bố trí vốn đầu tư xây dựng công trình Thủy lợi Nậm Chim (bản Nậm Chim) gồm: Ðập đầu mối và gần 2km ống dẫn nước. Bản Nậm Chim có bãi tưới rộng gần 10ha, trước khi có công trình thủy lợi, bà con tận dụng nước suối khai hoang được gần 2ha ruộng 1 vụ. Năm nay, có công trình thủy lợi dẫn nước về, 2ha đã khai hoang sẽ làm được 2 vụ.

Hiện nay, toàn tỉnh có 966 công trình thủy lợi, trong đó: 13 hồ chứa thủy lợi; 2 trạm bơm điện; 2 trạm bơm thủy luân, còn lại là đập dâng và phai tạm. Tổng chiều dài tuyến kênh mương trên 1.500km, tỷ lệ kiên cố hóa đạt trên 70% đảm bảo nước tưới cho trên 25.094ha đất sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ tưới bình quân đạt trên 75%. Hệ thống kênh mương được kiên cố hóa góp phần giảm chi phí nạo vét, phát dọn, công quản lý và giảm thất thoát nước từ 30 - 35%. Ðồng thời, giúp các xã từng bước hoàn thành tiêu chí thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top