Thành phố Ðiện Biên Phủ

Duy trì và phát triển đàn gia súc

09:23 - Thứ Hai, 10/12/2018 Lượt xem: 10751 In bài viết

ĐBP - Là đô thị nên diện tích bãi chăn thả cũng như những mô hình chăn nuôi theo quy mô trang trại lớn trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ hạn chế, người dân chủ yếu phát triển chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ. Song, nhờ chú trọng chăm sóc cũng như làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nên những năm qua, số lượng và chất lượng đàn gia súc trên địa bàn thành phố được duy trì, phát triển bền vững.

 

Gia đình chị Nguyễn Thị Yến xuất bán lợn.

Là một trong những hộ chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa, chị Nguyễn Thị Yến, tổ dân phố 4, phường Thanh Trường chia sẻ: Do diện tích đất hạn hẹp nên gia đình tôi nuôi lợn với quy mô chuồng nuôi chưa đến 50m2, mỗi lứa tôi chỉ nuôi từ 10 - 15 con. Mặc dù chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình, số lượng đàn lợn không nhiều nhưng tôi vẫn chú trọng tới công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn, vệ sinh sạch sẽ chuồng trại và đồ dùng. Nhờ đó, đàn lợn phát triển khỏe mạnh; mỗi năm tôi xuất bán 2 lứa lợn thương phẩm, tương đương khoảng 2 tấn lợn hơi, trừ chi phí cho thu lãi trên 30 triệu đồng.

Cũng chọn đầu tư vào chăn nuôi để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình, với lợi thế sẵn có nhiều bãi chăn thả tự nhiên, gia đình anh Dương Văn Minh, bản Kê Nênh, xã Tà Lèng chọn nuôi trâu sinh sản. Ðến nay, gia đình anh Minh là một trong những gia đình có nhiều trâu sinh sản nhất xã với 11 con. Ðược biết, trước đây anh chỉ nuôi từ 2 - 3 con trâu để tận dụng sức kéo, sau vài lần bán nghé con do đàn trâu của gia đình sinh sản anh nhận thấy giá trị kinh tế của việc nuôi trâu theo hướng hàng hóa. Từ đó, anh mạnh dạn mua thêm 3 con trâu sinh sản. Theo kinh nghiệm của anh, thông thường trâu cái được nuôi theo phương pháp chăn thả truyền thống phải mất từ 2 - 3 năm mới sinh được một lứa. Nhưng nếu chăn nuôi đúng kỹ thuật, chỉ 1,5 - 2 năm trâu sinh sản 1 lứa, nghé con khỏe mạnh, nhanh lớn.

Ðể đàn gia súc trên địa bàn phát triển ổn định, bền vững, cùng với việc vận động người dân duy trì, mở rộng quy mô chăn nuôi thì công tác tiêm vắc xin phòng dịch cũng được thành phố đặc biệt quan tâm. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã tiêm được 240 liều vắc xin nhiệt thán trâu, bò; 2.350 liều tụ huyết trùng trâu, bò; 12.600 liều dịch tả lợn; 12.600 liều tụ huyết trùng lợn. Ðồng thời, triển khai phun phòng chuồng trại chăn nuôi trong “tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường đợt 2, năm 2018” được 1.520.000m2, tương ứng 1.520 lít hóa chất. Nhờ đó, đàn gia súc phát triển ổn định, từ đầu năm đến nay thành phố không có dịch bệnh lớn xảy ra dịch bệnh.

Ðánh giá về công tác phát triển đàn gia súc trên địa bàn, ông Trần Ngọc Sơn, Phó phòng Kinh tế, TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Thời gian gần đây, đàn đại gia súc của thành phố có xu hướng tăng nhẹ. Có được kết quả trên là nhờ việc triển khai các chương trình hỗ trợ bò cho hộ nghèo, cận nghèo; hiệu quả từ các dự án được đầu tư từ những năm trước và nhất là công tác chăm sóc cũng như triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả… Ngược lại, đàn lợn chưa có xu hướng tăng đàn mạnh trở lại mặc dù giá lợn hơi đã tăng cao trở lại. Nguyên nhân chủ yếu do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa đầu tư do sợ giá lợn hơi không ổn định như những năm trước. Theo thống kê, đàn trâu của thành phố năm 2018 ước đạt trên 1.000 con (đạt 105,9% so với kế hoạch giao cả năm); đàn bò 330 con (đạt 110%); đàn lợn trên 8.000 con (đạt 73,1%).

Trong kế hoạch, thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đến năm 2020, TP. Ðiện Biên Phủ đã đề ra mục tiêu cụ thể trong từng lĩnh vực. Theo đó, ngành chăn nuôi phấn đấu đến năm 2020 tổng đàn trâu, bò đạt 1.400 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 50 tấn/năm; đàn lợn 10.000 con, sản lượng 800 tấn/năm. Ðể đạt được mục tiêu trên, UBND thành phố chỉ đạo tiếp tục duy trì và phát triển đàn gia súc, lập kế hoạch tiêm phòng vắc xin theo kế hoạch, chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát phòng chống dịch bệnh, phát hiện và điều trị kịp thời không để dịch bệnh lớn xảy ra. Ðồng thời, thành phố cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành tỉnh xem xét, phân bổ nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ sản xuất để thành phố từng bước triển khai, thực hiện chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top