Chế biến dong riềng

Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế

09:56 - Thứ Năm, 13/12/2018 Lượt xem: 9879 In bài viết

ĐBP - Nhiều năm qua, khoảng từ tháng 10 đến hết tháng 12 dương lịch, khi vào mùa thu hoạch và chế biến dong riềng tại một số xã vùng ngoài của huyện Ðiện Biên, chất thải từ các cơ sở chế biến lại xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm. 

 

Cơ sở chế biến dong riềng của ông Lò Văn Quân hiện có 3 bể chứa và đang mở thêm 2 ao chứa, 10 thửa đất để tận thu bã thải làm phân bón và làm thức ăn cho cá.

Ðến hẹn lại lên

Thời điểm này (đầu tháng 12 dương lịch), xã Nà Tấu (huyện Ðiện Biên) đang trong chính vụ thu hoạch dong riềng. Khắp các ngả đường liên bản cho đến quốc lộ 279, từ xe thô sơ đến những chiếc xe trọng tải 10 tấn đều thồ, chở dong riềng đến tập kết tại các cơ sở chế biến, củ dong tươi vừa thu hoạch chất đống dài cả trăm mét dọc quốc lộ. Qua tìm hiểu, được biết giá thu mua dong năm nay dao động từ 1.300 - 1.500 đồng/kg củ tươi. Mỗi hộ ở Nà Tấu trồng ít thì vài trăm mét vuông, hộ nhiều thì cả héc ta dong riềng. Trung bình, mỗi hộ thu nhập gần 10 triệu đồng đến vài chục triệu đồng từ trồng dong riềng.

Lợi ích kinh tế mà cây dong riềng mang lại đã rõ khi thu nhập của người dân ngày càng tăng, đời sống được nâng lên. Tuy nhiên, việc các cơ sở chế biến dong riềng hoạt động với công suất lớn, không bảo đảm các công đoạn, quy trình trong bảo vệ môi trường, khiến địa bàn xã Nà Tấu nói riêng, lưu vực suối Nà Tấu, sông Nậm Rốm nói chung phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm. Theo thống kê của chính quyền xã Nà Tấu, 10 cơ sở lớn trên địa bàn trung bình mỗi ngày sản xuất, chế biến khoảng 15 tấn củ/cơ sở; cao điểm chính vụ lên tới 30 tấn/ngày, lượng nước thải mỗi cơ sở xả ra môi trường hàng trăm mét khối. Dễ nhận thấy nhất là mùi hôi đặc trưng của bã, nước thải từ củ dong “tấn công” ngay từ đầu xã, nước suối gần các cơ sở chế biến chuyển thành màu đen như hắc ín. 

Trao đổi về vấn đề ô nhiễm môi trường do sản xuất, chế biến dong riềng trên địa bàn, ông Giàng A Chợ, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu cho biết: Ngay từ đầu tháng 10/2018, khi chuẩn bị vào vụ thu hoạch củ dong riềng, các chủ cơ sở chế biến đã được hướng dẫn các quy định về đảm bảo môi trường. Trong đó, 9/10 cơ sở đã ký cam kết với chính quyền về thực hiện các quy trình xử lý bã thải, nước thải trước khi sản xuất, chế biến dong riềng. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, có tác động gây ô nhiễm từ chế biến dong riềng trên địa bàn. Nguyên nhân do khối lượng dong riềng được chế biến rất lớn, trong khi hệ thống xử lý chất thải chưa được các chủ cơ sở chế biến đầu tư, xử lý triệt để.

Ông Lò Văn Quân, chủ cơ sở chế biến dong riềng tại bản Tà Cáng 1, xã Nà Tấu, cho biết: Thời điểm này, trung bình mỗi ngày cơ sở chế biến từ 10 - 15 tấn dong riềng. Ðể giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cơ sở thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn là sử dụng vôi để sục rửa, khử trùng từ đầu khâu chế biến. Về vấn đề bã thải, nước thải, cơ sở hiện có 3 bể chứa và đang mở thêm 2 ao chứa, 10 thửa đất để tận thu bã thải làm phân bón và làm thức ăn cho cá. Như chia sẻ của các hộ trong bản, việc tận dụng bã dong riềng làm phân bón thì “cây gì cũng tốt” nên vừa qua, nhiều hộ trồng cà phê ở Mường Ảng đã đến thu mua với giá trung bình 300 nghìn đồng/xe tải 3 tấn.

Cần giải pháp tối ưu

Trao đổi với chúng tôi những vấn đề liên quan đến cây dong riềng trên địa bàn huyện, ông Bùi Hải Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên cho biết: Trong quá trình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương, dong riềng được coi là một trong những loại cây đem lại lợi ích kinh tế cho hộ, nhóm hộ tại khu vực vùng ngoài. Trên địa bàn huyện Ðiện Biên hiện có 16 cơ sở hoạt động thu mua, chế biến củ dong riềng. Hàng năm, đến vụ sản xuất dong riềng, UBND huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn quy trình xử lý chất thải, yêu cầu các cơ sở thường xuyên cải tạo hệ thống thu gom, nâng cấp máy móc, ký cam kết bảo vệ môi trường, tuy nhiên hầu hết các cơ sở chế biến trên địa bàn hiện nay đều nhỏ lẻ nên không có kinh phí đầu tư hệ thống xử lý bã thải đúng tiêu chuẩn quy định.

Ðối với thông tin về việc tận thu bã, nước thải dong riềng làm phân bón, phục vụ sản xuất, đến thời điểm này, UBND huyện Ðiện Biên chưa nhận được báo cáo của chính quyền cơ sở hoặc đơn đề nghị của các hộ gia đình, cá nhân về quy trình, hướng dẫn. Tuy nhiên, UBND huyện khuyến cáo người dân không xả trực tiếp vào vị trí sản xuất, bởi như vậy sẽ gây hại cho cả cây trồng lẫn môi trường. Trước mắt, các cơ sở chế biến cần phải xây dựng hệ thống bể chứa, bể lắng, để ngâm ủ đúng, đủ thời gian thì mới có thể tận dụng. Ngoài ra, nếu muốn dùng bã thải dong riềng làm phân bón cho cây trồng hoặc làm thức ăn gia súc cần có nghiên cứu kỹ lưỡng về thành phần dinh dưỡng, kết hợp với các loại thức ăn, phân bón khác sao cho phù hợp.

Không thể phủ nhận hiệu quả giảm nghèo cho người dân từ cây dong riềng, song Chính phủ đã khẳng định “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế” dù ở quy mô nào, cấp độ nào. Tuy nhiên, làm thế nào để nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế địa phương từ cây dong riềng mà vẫn đảm bảo môi trường? Thời gian tới, UBND huyện Ðiện Biên sẽ phối hợp với các ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường… nghiên cứu giải pháp, có hướng dẫn cụ thể cho người dân, với mục tiêu kép: Vừa tận thu được nguồn bã thải từ chế biến dong riềng, phục vụ sản xuất, đồng thời giảm triệt để nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ðể giải quyết bài toán này rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của ngành chức năng và chính quyền địa phương.

Lan Phương
Bình luận
Back To Top