Không khuyến khích mở rộng diện tích trồng dong riềng

10:08 - Thứ Sáu, 14/12/2018 Lượt xem: 11595 In bài viết

ĐBP - Theo thống kê, hiện nay toàn huyện Ðiện Biên có hơn 1.000ha dong riềng, được trồng tập trung chủ yếu trên địa bàn 3 xã: Nà Tấu, Nà Nhạn và Mường Phăng. Tuy nhiên, đây đều là những diện tích do người dân trồng tự phát. Hiện nay, UBND huyện chưa giao kế hoạch, chỉ tiêu phát triển cây dong riềng cho các xã, mà chỉ theo dõi hiệu quả loại cây này. Chính vì vậy, UBND huyện khuyến cáo người dân không nên phát triển diện tích dong riềng một cách tự phát, ồ ạt.

 

Một cơ sở chế biến dong riềng tại xã Nà Tấu (huyện Ðiện Biên).

Thời điểm này, người trồng dong riềng đang bước vào mùa thu hoạch chính vụ. Dự ước năng suất và sản lượng dong riềng năm nay tăng hơn so với mọi năm. Bà Thẳm Thị Hiên, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, cho biết: Toàn xã hiện có 113ha dong riềng, người dân đang tiến hành thu hoạch. Năm nay, dong riềng được mùa, năng suất trung bình 60 tấn/ha; sản lượng toàn xã ước đạt gần 7.000 tấn, giá bán trung bình từ 900 - 1.200 đồng/kg củ tươi.

Không chỉ xã Mường Phăng, nông dân các xã Nà Nhạn, Nà Tấu đang khẩn trương thu hoạch dong riềng cho kịp thời vụ. Không thể phủ nhận hiệu quả của cây dong riềng đem lại trong những năm qua giúp người dân có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo. Thế nhưng, việc phát triển cây dong riềng theo kiểu tự phát đã ảnh hưởng đến kế hoạch, chỉ tiêu phát triển các loại cây trồng khác trên địa bàn huyện nói chung và 3 xã: Nà Tấu, Nà Nhạn và Mường Phăng nói riêng; nhất là vấn đề giá và thị trường tiêu thụ dong riềng. Nếu như năm 2017, toàn huyện chỉ có khoảng 700ha dong riềng thì đến năm 2018 đã tăng lên hơn 1.000ha; trong đó xã Nà Tấu có trên 450ha, Nà Nhạn hơn 400ha và Mường Phăng 113ha, rải rác ở các xã khác. Ðiều đáng nói toàn bộ diện tích dong riềng trên địa bàn đều do người dân trồng tự phát, chưa có bất kỳ chủ trương, chính sách phát triển đối với cây dong riềng nào của huyện Ðiện Biên. Ðiển hình, xã Nà Tấu năm 2010 trở về trước, cả xã có chưa đến 10ha dong riềng, thế nhưng đến nay đã tăng lên hơn 450ha; xã Mường Phăng năm 2016 chỉ có 45ha thì đến năm 2018 đã tăng lên 113ha... Ông Cứ A Chá, bản Loọng Luông 1, xã Mường Phăng cho biết: Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng gần 1.000m2 dong riềng. Tuy nhiên, thấy năng suất và sản lượng hiệu quả hơn các cây trồng khác, vì vậy năm nay gia đình tôi trồng gần 5.000m2 dong riềng. Nếu năm nay được mùa, được giá thì năm sau gia đình tôi tiếp tục mở rộng diện tích.

Gia đình ông Cứ A Chá chỉ là một trong số nhiều hộ dân mở rộng diện tích cây dong riềng một cách tự phát. Vì vậy, đầu ra cho sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng được mùa mất giá. Ðiển hình, vụ dong riềng năm nay dù năng suất, sản lượng đạt cao, thế nhưng giá bán thấp. Các vụ trước, dong riềng tươi có giá từ 1.700 - 2.200 đồng/kg, thì năm nay giá trung bình khoảng 1.100 đồng/kg, có những nơi vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn giá chỉ còn 800 đồng/kg. Nguyên nhân là do phụ thuộc quá nhiều vào tư thương nên bị ép giá. Việc phát triển dong riềng tự phát không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người trồng mà còn ảnh hưởng chung đến kế hoạch, chỉ tiêu phát triển các loại cây trồng trên địa bàn huyện, xã. Thậm chí, nhiều hộ dân đã chuyển đổi cả diện tích trồng lúa, ngô sang trồng dong riềng.

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên, cho biết: Những năm gần đây, diện tích dong riềng trên địa bàn huyện tăng nhanh, nhất là ở 3 xã Nà Nhạn, Nà Tấu và Mường Phăng. Hiệu quả của cây dong riềng đến đâu, như thế nào và hơn các loại cây khác ra sao thì chính quyền huyện chưa khẳng định. Hiện nay, huyện đang theo dõi và đánh giá hiệu quả để có chủ trương, hướng đi. Vậy nên những năm qua, huyện không đưa kế hoạch phát triển, mở rộng cây dong riềng vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện và của các xã. Chính vì vậy đầu ra cho dong riềng hiện nay vẫn do người dân tìm hướng. Ðể tránh tình trạng “cung vượt quá cầu” và người trồng dong riềng bị tư thương ép giá, huyện khuyến cáo người dân không tự ý mở rộng diện tích; đặc biệt là việc chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng dong riềng.

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top