Rau thủy canh - giải pháp cho nông nghiệp đô thị

09:10 - Thứ Năm, 20/12/2018 Lượt xem: 12508 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, thị trường nông sản đang rơi vào cảnh “vàng thau lẫn lộn” nên nhiều hộ dân trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ đang có xu hướng tự tạo cho gia đình vườn rau sạch và an toàn. Do diện tích đất đô thị ngày càng eo hẹp nên nhiều hộ trồng rau trong thùng xốp, khay nhựa bằng đất hoặc giá thể. Ngoài ra, thời gian gần đây có phương pháp trồng rau thủy canh đang thu hút sự chú ý của nhiều gia đình…

 

Chị Linh chăm sóc giàn rau thủy canh.

Thủy canh là kỹ thuật trồng cây không dùng đất, mà trồng trực tiếp vào dung dịch dinh dưỡng hoặc các giá thể. Ðặc biệt ở quy mô nhỏ, các gia đình có thể tận dụng khoảng không gian trống trong nhà (ban công, sân thượng, sân vườn…) để trồng. Các sản phẩm rau, củ, quả… phát triển sạch, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn vì không bị ảnh hưởng của những nguồn ô nhiễm từ đất. Ðây là kỹ thuật tiên tiến được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra sản phẩm sạch hơn, an toàn hơn. Phương pháp thủy canh xuất hiện ở Ðiện Biên đã vài năm trước nhưng hầu hết là do các doanh nghiệp, siêu thị thực hiện với quy mô lớn để phục vụ kinh doanh, cung cấp rau sạch ra thị trường. Còn đối với quy mô gia đình sử dụng hoặc kinh doanh nhỏ lẻ mới chỉ bắt đầu trong thời gian gần đây. Trong suy nghĩ của nhiều người, muốn trồng được vườn rau thì phải có đất, không gian rộng rãi. Nhưng hình thức trồng rau thủy canh đã khiến nhiều người thay đổi suy nghĩ đó. Ðiển hình như mô hình trồng rau thủy canh của gia đình chị Ðặng Thùy Linh, tổ dân phố 2, phường Nam Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) được đặt trên sân thượng của ngôi nhà 3 tầng. Chỉ khoảng 80m2, nhưng chị đã dựng được 5 giàn rau với gần 3.000 gốc, 2 giàn cây ăn quả. Chị Linh chia sẻ: Từ nhu cầu của gia đình về thực phẩm sạch, nhưng thiếu đất nên tôi dành thời gian tìm hiểu về các hình thức trồng rau không cần đất, tận dụng được các không gian trống của ngôi nhà. Sau khi tham khảo mô hình ở các thành phố lớn, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… tôi quyết định lựa chọn hình thức thủy canh hồi lưu. So với việc trồng rau bằng đất trong thùng xốp hoặc khay nhựa, hình thức này không tốn nhiều thời gian chăm sóc. Khâu quan trọng nhất là ươm hạt giống, khi đã lên giàn thì chỉ cần theo dõi, cung cấp dinh dưỡng phù hợp với quá trình sinh trưởng phát triển của cây. Hơn nữa, hình thức này sạch cả về quá trình trồng lẫn sản phẩm bởi không có nỗi lo về sâu bệnh nên không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, vì không cần đất nên có thể làm thành nhiều tầng để mở rộng diện tích trồng. Hệ thống thủy canh cũng khá linh hoạt, có thể lắp đặt với nhiều địa hình, phù hợp với nhiều loại không gian khác nhau của mỗi gia đình. Hiện nay, ngoài mang tới cho gia đình những bữa ăn an toàn, chị còn cung cấp sản phẩm rau thủy canh phục vụ nhu cầu của một bộ phận người tiêu dùng, nhất là các bà mẹ đang nuôi con nhỏ, cần sản phẩm sạch, nhiều chất dinh dưỡng.

Cũng theo chia sẻ của chị Linh, để xây dựng hệ thống trồng rau thủy canh hoàn chỉnh, vận hành tốt, chi phí bỏ ra không quá lớn, tuy nhiên nếu so với việc trồng bằng thùng xốp thì chi phí ban đầu bỏ ra cao hơn nhiều. Nhưng nếu thực sự quan tâm tới vấn đề an toàn thì đây là mức đầu tư hợp lý. Ví dụ như hệ thống của nhà chị Linh bao gồm 5 giàn với gần 3.000 gốc, 2 giàn cây ăn quả, nhà màng theo tiêu chuẩn chắn được mưa, côn trùng nhưng vẫn đảm bảo hấp thụ 100% ánh nắng... đầu tư gần 100 triệu đồng. Nhưng với quy mô hộ nhỏ thì chỉ cần khoảng 1 giàn 200 gốc rau với chi phí thiết bị chỉ khoảng 5 - 6 triệu đồng có thể đáp ứng đủ lượng rau xanh cho gia đình sử dụng. Thậm chí, với sự linh hoạt của hệ thống, chi phí còn có thể thấp hơn, tùy vào nhu cầu sử dụng. Tính đến thời điểm hiện tại, chị Linh đã tư vấn, lắp đặt hệ thống trồng rau thủy canh cho hơn 10 gia đình ở TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên. Ngoài ra, gia đình chị đang mở rộng quy mô để trồng các loại cây thu quả như: Dưa chuột bao tử, cà chua, dưa lưới… bằng hình thức thủy canh.

Với nhiều ưu điểm như: tiện lợi khi lắp đặt, chi phí đầu tư cũng không quá cao mà có thể trồng rau an toàn tại nhà, mô hình trồng rau thủy canh được xem là giải pháp hữu hiệu đối với các hộ dân ở đô thị có không gian nhỏ. Không chỉ vậy, việc trồng, sử dụng rau thủy canh còn góp phần thay đổi suy nghĩ, hành vi của họ về việc sử dụng thực phẩm sạch, an toàn.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top