Mường Nhé hiện thực hóa nghị quyết bảo vệ và phát triển rừng

09:01 - Thứ Sáu, 21/12/2018 Lượt xem: 10068 In bài viết

ĐBP - Nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả công tác bảo vệ rừng, Huyện ủy Mường Nhé đã ban hành Nghị quyết “Bảo vệ và phát triển rừng gắn với sắp xếp ổn định dân cư góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh giai đoạn 2016 - 2020”. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, nghị quyết đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, tổng diện tích rừng tăng dần qua các năm, cơ cấu rừng đa dạng, đặc biệt tập quán canh tác và ý thức bảo vệ rừng của người dân đã có chuyển biến.

 

Lực lượng kiểm lâm huyện Mường Nhé tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng.

Ðể nâng cao tinh thần trách nhiệm của nhân dân trong công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng, Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện Mường Nhé đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm; trong đó, nghị quyết bảo vệ và phát triển rừng, giai đoạn 2016 - 2020 được xem như minh chứng rõ nét nhất. Với mục tiêu đặt ra, bảo vệ nghiêm ngặt hơn 72.555ha rừng, tăng cường khoanh nuôi tái sinh đối với rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Phấn đấu đến năm 2020 trồng mới 300ha rừng phòng hộ, 2.700ha rừng sản xuất trở lên (mỗi năm trồng bình quân 2.000ha); trồng 800.000 cây phân tán, nâng độ che phủ rừng từ 46,1% (năm 2015) lên 51,5% trở lên vào năm 2020. Ðối với rừng sản xuất, loại cây được đưa vào trồng chủ yếu là keo tai tượng; rừng phòng hộ ưu tiên trồng cây bản địa (vối thuốc, dổi, thông).

Sau hơn 3 năm bắt tay vào thực hiện nghị quyết, với phương châm không để “đất nghỉ”, xác định trồng và phát triển rừng không chỉ hình thành hàng rào xanh an toàn bảo vệ môi trường mà còn là biện pháp giúp người dân xóa đói giảm nghèo bền vững. Huyện Mường Nhé đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, việc chấp hành các chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật Nhà nước về thực hiện nhiệm vụ trồng và bảo vệ rừng. Ðặc biệt, tập trung chỉ đạo quyết liệt, vận động nhân dân tham gia trồng rừng, huy động mọi nguồn lực, các thành phần kinh tế trên địa bàn tham gia trồng rừng. Giai đoạn 2016 - 2018, huyện trồng mới 728,07ha rừng. Ðồng thời, thực hiện nghiêm túc tiến độ giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư để tổ chức quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng (đã tổ chức giao đất có rừng cho 88 chủ rừng). Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm được thực hiện đúng thời gian quy định, công khai, minh bạch, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao nhận thức của người dân về công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Riêng năm 2018, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chi trả tạm ứng tiền dịch vụ môi trường hơn 22,3 tỷ đồng cho người dân. Huyện củng cố, kiện toàn 11 ban chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR tại 11/11 xã với 352 thành viên; 11 ban chỉ đạo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Ðối với thôn, bản đã xây dựng, củng cố 126 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, PCCCR tại 117 bản với 1.614 thành viên. Tổ chức tuyên truyền 250 lượt về tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, PCCCR tại 117 bản, cụm dân cư với 8.033 người dân tham gia; vận động, tuyên truyền 6.670 hộ gia đình ký cam kết quản lý bảo vệ rừng, PCCCR. Ngoài ra, huyện tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm, làm cháy rừng, xử lý nghiêm những trường hợp khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép; xây dựng lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR. Năm 2018, huyện đã tổ chức 1.572 lượt tuần tra rừng, kiểm soát rừng, phát hiện và xử lý 50 vụ vi phạm về quản lý bảo vệ và phát triển rừng; tịch thu 3,256m3 gỗ các loại...

Là xã điểm trong triển khai thực hiện nghị quyết, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, đặc biệt là khơi dậy tinh thần đoàn kết của bà con nên công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Sín Thầu bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan. Từ năm 2016 đến nay, xã đã trồng mới hơn 132,3ha rừng; phấn đấu đến năm 2020 nâng tỷ lệ che phủ rừng lên trên 75%. Ðiểm nổi bật trong công tác trồng rừng ở Sín Thầu đó là đa số người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu trồng đến chăm sóc nên tỷ lệ cây sống cao.

Với những tín hiệu khả quan đây được xem là bước “đệm” để Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mường Nhé thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top