Những chuyển biến tích cực trong xóa đói giảm nghèo

16:39 - Thứ Sáu, 21/12/2018 Lượt xem: 10699 In bài viết

ĐBP - Quan tâm nhiều hơn công tác an sinh xã hội với các hoạt động thiết thực vì người nghèo, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ lao động; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch… là những giải pháp tỉnh ta đã và đang nỗ lực triển khai nhằm góp phần từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, tạo chuyển biến tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

 

Sau khi được tham gia lớp đào tạo nghề về kỹ thuật trồng nấm, nhiều hộ dân xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ đã góp vốn đầu tư trồng nấm bán ra thị trường, nâng cao thu nhập.

Căn cứ vào điều kiện thực tế, hàng năm, tỉnh đã giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các huyện, thị, thành phố và giao chỉ tiêu nguồn vốn từ lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án để tổ chức thực hiện các chương trình, dự án về giảm nghèo. Trong giai đoạn 2015 - 2018, tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh là trên 9.305 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư gần 5.379 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 3.927 tỷ đồng. Ngoài thực hiện các chính sách chung, các địa phương trong tỉnh đã linh hoạt triển khai thực hiện việc khuyến khích cán bộ, đảng viên, vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ nhà, phương tiện sản xuất, vốn cho hộ nghèo.

Tháng 5/2017, huyện Điện Biên đã tổ chức lễ phát động quyên góp, ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện. Qua 2 đợt quyên góp, toàn huyện đã huy động được gần 1,5 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí trên đã hỗ trợ trên 40 hộ có hoàn cảnh khó khăn nâng cấp, sửa chữa nhà ở. Tính từ năm 2017 đến nay, huyện Điện Biên đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa được 144 ngôi nhà Đại đoàn kết với tổng số tiền gần 2,9 tỷ đồng. Qua đó, tạo động lực cho người nghèo trên địa bàn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Không chỉ riêng huyện Điện Biên, thực hiện các chính sách về hỗ trợ nhà ở, những năm qua, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực triển khai đầy đủ và có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, qua đó đạt được những kết quả đáng khích lệ: Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ trên 1.800 hộ với tổng kinh phí cho vay hỗ trợ làm nhà trên 43.120 triệu đồng; hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho 158 hộ; hỗ trợ người có công về nhà ở 1.065 hộ với tổng kinh phí trên 33.220 triệu đồng.

Cùng với thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, ưu đãi về đất đai thì các chính sách hỗ trợ về: giáo dục, y tế cũng được các địa phương trong tỉnh thực hiện kịp thời, đầy đủ và có hiệu quả. Trong giai đoạn 2015 - 2018, mạng lưới khám chữa bệnh từ tỉnh đến xã được quan tâm đầu tư, từng bước nâng cấp về cơ sở vật chất và trang thiết bị, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh từng bước được cải thiện. Toàn tỉnh đã thực hiện cấp trên 1,77 triệu thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, nâng tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh đến nay đạt 98,7%. Các chế độ, chính sách đối với học sinh, sinh viên được triển khai thực hiện nghiêm túc, khoa học và đảm bảo đúng quy trình. 4 năm qua, tỉnh ta đã thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập… cho trên 1,22 triệu lượt học sinh, sinh viên với tổng kinh phí thực hiện trên 1.292 tỷ đồng.

Thông qua việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 48,1% (năm 2015) xuống còn 37,45% (ước đến cuối năm 2018), ước đạt 70,61% mục tiêu đến năm 2020. Kết quả trên cũng là động lực để tỉnh ta tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp trong công tác giảm nghèo trong những năm tiếp theo. Trong đó, cùng với thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất, nhà ở, y tế, giáo dục, tỉnh sẽ tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội tại các huyện nghèo, xã nghèo, tạo điều kiện để người nghèo mở rộng sản xuất, tiếp cận thị trường tiêu thụ hàng hóa. Tập trung tuyên truyền vận động các hộ nghèo không trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, thực hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo hằng năm làm cơ sở xác định rõ nguyên nhân, nhóm đối tượng nghèo, từ đó xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đề xuất cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện thực tế nhằm thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 33% vào năm 2020.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top