Ðiện lưới về vùng sâu

10:20 - Thứ Sáu, 28/12/2018 Lượt xem: 9953 In bài viết

ĐBP - Ðưa điện về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới được xác định là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng với ngành Ðiện nói chung, Công ty Ðiện lực Ðiện Biên nói riêng. Vì vậy, những năm qua, ngành Ðiện lực tỉnh đã và đang nỗ lực vượt khó đem ánh sáng về với đồng bào các dân tộc, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định đời sống, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương.

 

Công nhân Ðiện lực Ðiện Biên Ðông kiểm tra hệ thống điện.

Theo lộ trình, đến năm 2020 toàn tỉnh phấn đấu 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Ðể đạt được mục tiêu này, những năm qua ngành Ðiện đã và đang nỗ lực triển khai các dự án phát triển điện từ nhiều nguồn vốn khác nhau, như: Dự án WB; dự án mở rộng và cải tạo lưới điện cho các xã vùng sâu, vùng xa; dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2013 - 2020… Ðiển hình là dự án cải tạo lưới điện cho các xã vùng sâu, vùng xa được đầu tư từ vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á các giai đoạn 1, 2, 3 từ năm 2011 - 2016, do ngành Ðiện làm chủ đầu tư. Ông Trần Ðức Dũng, Phó giám đốc Công ty Ðiện lực Ðiện Biên cho biết: Từ nguồn vốn của dự án này, Công ty Ðiện lực Ðiện Biên đã cấp điện cho 7 huyện, thị và thành phố với 8 xã, 178 thôn, bản và trên 15 nghìn hộ dân nông thôn. Qua đó, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân khu vực vùng sâu, vùng xa, đồng thời nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2013 - 2020 do Sở Công Thương làm chủ đầu tư thực hiện mục tiêu cấp điện cho gần 13.000 hộ dân tại 276 thôn, bản trên địa bàn 81 xã thuộc 8 huyện; xây dựng mới hệ thống lưới điện gồm 487km đường dây trung áp 35kV, 206 trạm biến áp, 605km đường dây hạ áp và lắp đặt mới gần 13.000 công tơ. Khi mới triển khai, dự án gặp không ít khó khăn do giá vật tư, thiết bị có nhiều biến động ảnh hưởng lớn đến việc bố trí vốn. Ðịa bàn thực hiện dự án trên diện rộng, hầu hết các thôn, bản thụ hưởng đều ở vùng sâu, vùng xa, giao thông khó khăn, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Song với quyết tâm sớm đưa điện đến với vùng sâu, vùng xa, biên giới, ngành Ðiện lực đã nỗ lực khắc phục khó khăn, huy động sức người, sức của, thực hiện dự án đúng lộ trình. Tính đến tháng 10/2018, dự án đã thực hiện 7 gói thầu xây lắp, trong đó hoàn thành 5 gói thầu với 24 trạm biến áp, hơn 61km đường dây trung áp 35kV, gần 52km đường dây hạ áp 0,4kV, cấp điện cho 3 xã: Huổi Lếch (Mường Nhé), Huổi Mí (Mường Chà) và Pú Xi (Tuần Giáo) với 1.544 hộ dân thuộc 38 bản được hưởng lợi.

Huổi Lếch là một trong những xã khó khăn của huyện Mường Nhé được hưởng lợi dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia. Cuối tháng 12/2016 xã mới chính thức có điện lưới quốc gia. Từ khi có điện, cuộc sống của người dân dần thay đổi. Ti vi, máy xay xát được người dân mua sắm ngày càng nhiều phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của gia đình. Có điện, bà con tiếp cận thông tin đại chúng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên kinh tế phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Nếu như năm 2013 - thời điểm mới chia tách, thành lập, xã Huổi Lếch có tỷ lệ hộ nghèo 93,6% thì sau 5 năm đã giảm được gần 20% hộ nghèo. Ðặc biệt, trong năm 2017 - năm đầu tiên có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm được 7,5%. Ðiện về không chỉ “thắp sáng” đời sống người dân, mà còn giúp bộ máy chính quyền xã Huổi Lếch hoàn thành tốt nhiệm vụ hơn, kịp thời tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước đến với bà con. Nhờ có điện, bộ phận “Một cửa” của UBND xã được trang bị máy vi tính kết nối internet cùng máy in, máy photocopy bảo đảm xử lý kịp thời hồ sơ, giấy tờ của người dân theo quy định.

Hiện nay, toàn tỉnh có 850 trạm biến áp, hơn 2.200km đường dây trung thế và hơn 2.500km đường dây hạ thế, phục vụ hơn 113.000 khách hàng. Việc thực hiện các dự án xây dựng hệ thống lưới điện quốc gia đã được đầu tư, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận
Back To Top