Ðột phá nông nghiệp Ðiện Biên Ðông

10:23 - Thứ Sáu, 28/12/2018 Lượt xem: 10487 In bài viết

ĐBP - Trong số 16 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện Ðiện Biên Ðông khóa V (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đề ra, đến nay chỉ tiêu về phát triển ruộng lúa nước đạt kết quả nổi bật nhất. Mục tiêu trong nhiệm kỳ toàn huyện khai hoang, phục hóa từ 100 - 150ha ruộng nước, nhưng đến nay diện tích khai hoang, phục hóa đã đạt gần 1.000ha, vượt xa chỉ tiêu đề ra.

 

Nông dân xã Mường Luân làm đất trồng lúa nước trên diện tích khai hoang ruộng mới.

Ðiện Biên Ðông có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi, diện tích đất sản xuất, nhất là đất trồng lúa nước ít. Ðây là một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện cao. Xác định rõ vấn đề, Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện khóa V đã đưa chỉ tiêu phát triển ruộng lúa nước vào Nghị quyết của Ðảng bộ. Theo đó, huyện đặt mục tiêu mỗi năm khai hoang phục hóa 30ha nhằm tăng diện tích, sản lượng lương thực, ổn định cuộc sống cho người dân.

Triển khai thực hiện Nghị quyết, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở, tư vấn, hỗ trợ UBND các xã tuyên truyền, vận động nhân dân khai hoang, phục hóa; hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Ðồng thời, triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ khai hoang, phục hóa của Nhà nước đến với nhân dân thông qua các chương trình: Nghị quyết 30a; Nghị định 35 về quản lý, sử dụng đất lúa (Theo Nghị quyết 30a mỗi héc ta khai hoang người dân sẽ được hỗ trợ 15 triệu đồng, phục hóa 10 triệu đồng; Nghị định 35 hỗ trợ 10 triệu đồng 1ha khai hoang, 5 triệu đồng 1ha phục hóa). Nhờ đó, việc khai hoang, phục hóa ruộng nước được người dân hưởng ứng nhiệt tình, trở thành phong trào rộng rãi trong toàn huyện.

Pú Nhi là một trong những xã thực hiện tốt việc khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích trồng lúa nước. Ông Giàng A Di, bản Nậm Ngám B cho biết: Trước đây gia đình chủ yếu trồng lúa nương nhưng năng suất, sản lượng thấp nên thiếu đói quanh năm. Năm 2015, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật khai hoang, phục hóa, gia đình tôi đã khai hoang được gần 1.000m2, nâng tổng diện tích ruộng nước lên hơn 4.000m2. Hiện nay, mỗi vụ gia đình tôi thu trên 2 tấn thóc, đủ lương thực cho cả nhà và phục vụ chăn nuôi.

Cũng được hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc” như gia đình ông Di, những năm qua, xã Pú Nhi đã có nhiều hộ thoát nghèo nhờ tích cực khai hoang ruộng bậc thang để trồng lúa nước. Ông Sùng A Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Pú Nhi cho biết: 4 năm qua, toàn xã đã khai hoang được gần 100ha ruộng nước và phục hóa được gần 4ha. Diện tích tăng, cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật và đưa các giống lúa lai năng suất cao vào sản xuất đã tăng năng suất, sản lượng lúa của xã. Nếu như trước đây, trồng lúa nương năng suất chỉ đạt từ 10 - 11 tạ/ha, thì gieo cấy lúa nước năng suất đạt 45 - 50 tạ/ha.

Na Son là một trong những xã trọng điểm sản xuất nông nghiệp của huyện Ðiện Biên Ðông. Thực hiện hiệu quả việc khai hoang, phục hóa, những năm qua diện tích ruộng nước của xã Na Son tăng nhanh chóng. Ông Lò Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Na Son cho biết: “Trước đây xã có nhiều diện tích đất bỏ hoang, thế nhưng, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bà con đã san ủi, đắp bờ cải tạo thành đất trồng lúa nước”. Từ năm 2015 đến nay, toàn xã đã khai hoang, phục hóa được gần 70ha, nâng tổng diện tích ruộng nước lên hơn 220ha. Nhờ đó, khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất; tăng sản lượng lương thực, ổn định đời sống người dân. Hiện nay, bình quân lương thực đạt trên 442kg/người/năm (tăng gần 100kg so với năm 2011). Nếu như trước đây, 100% hộ nghèo trên địa bàn xã đều thiếu đói từ 3 - 4 tháng/năm thì 3 năm trở lại đây, tỷ lệ hộ đói giáp hạt giảm chỉ còn khoảng 20%.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện cho biết: Riêng năm 2015 - năm đầu tiên của nhiệm kỳ, tổng diện tích khai hoang của huyện đã đạt 246ha, vượt xa so với chỉ tiêu cả nhiệm kỳ. Tính từ năm 2015 đến nay, toàn huyện đã khai hoang, phục hóa được gần 1.000ha; trong đó diện tích khai hoang gần 900ha, còn lại là diện tích phục hóa. Những xã có diện tích khai hoang, phục hóa lớn như: Pú Nhi (hơn 100ha); Pú Hồng (gần 100ha); Mường Luân (gần 100ha)... Nhờ đó, diện tích lúa nước toàn huyện tăng lên hơn 2.700ha (trong đó có 1.000ha lúa nước 2 vụ); năng suất bình quân đạt 45 - 50 tạ/ha; sản lượng lúa năm 2018 đạt trên 18.200 tấn (tăng hơn 2.300 tấn so với năm 2017). Qua đó, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống nhân dân; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 55,23% (trung bình giảm 5%/năm). Có được kết quả đó, cùng với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự nỗ lực của người dân thì chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng là động lực lớn thúc đẩy người dân khai hoang, phục hóa ruộng nước. Theo tính toán, riêng nguồn vốn theo Nghị định 35/2015/NÐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất lúa: Từ năm 2015 - 2017, toàn huyện được hỗ trợ hơn 5,2 tỷ đồng khai hoang, phục hóa. Ðể việc khai hoang, phục hóa ruộng nước hiệu quả và có tính bền vững cao, trong những năm qua, huyện Ðiện Biên Ðông đã đầu tư xây dựng mới và sửa chữa nhiều hệ thống kênh mương thủy lợi. Hiện nay, toàn huyện có trên 130 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, hệ thống kênh mương từng bước được kiên cố hóa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top