Khi cây cao su cho nguồn “vàng trắng”

10:27 - Thứ Sáu, 28/12/2018 Lượt xem: 11854 In bài viết

ĐBP - “Qua 2 năm thu hoạch mủ cao su, đến thời điểm này, tôi cho rằng cái được lớn nhất là năng suất, sản lượng và chất lượng mủ khá tốt, đạt tiêu chuẩn theo quy trình. Mặt khác, tạo việc làm thu nhập ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn...” - Ðó là chia sẻ của ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên.

 

Công nhân Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên thu hoạch mủ tại vườn cao su xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên). Ảnh: Linh Giang

Theo thống kê, hiện nay, diện tích cây cao su của Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên trên địa bàn tỉnh là 3.737ha; được trồng tại 5 huyện: Tuần Giáo (1.320,3ha), Mường Chà (1.281,71ha), Ðiện Biên (944,32ha), Mường Ảng (100,49ha) và thành phố Ðiện Biên Phủ (90,18ha). Tại huyện Mường Nhé hiện có khoảng 1.200ha cây cao su, do Công ty Cao su Mường Nhé quản lý, mới khai thác mủ từ đầu năm 2018.

Dẫn chúng tôi đi thăm rừng cao su đang cho thu hoạch mủ trên địa bàn xã Mường Pồn (huyện Ðiện Biên), ông Phan Văn Lợi cho biết: Ðến thời điểm này, việc khai thác mủ cao su đã được thực hiện ở 5 huyện, thành phố. Ðược sự chỉ đạo của tỉnh, từ cuối năm 2016 đơn vị bắt đầu cạo mủ thử 42ha và chính thức thu hoạch mủ từ đầu năm 2017. Những diện tích cao su cho thu hoạch được trồng từ năm 2008 - 2009. Tính đến cuối năm 2018, đơn vị thu hoạch 1.221ha, sản lượng ước đạt khoảng 1.000 tấn mủ. Năng suất, sản lượng và chất lượng mủ đạt tiêu chuẩn theo quy trình. Sau thời gian thu hoạch mủ đến nay, người lao động đã quen dần với việc cạo mủ, tay nghề được nâng cao; có việc làm, thu nhập ổn định nên người lao động hứng thú, hăng say với công việc.

Cũng theo ông Phan Văn Lợi, cái khó khăn hiện nay của đơn vị là: Do diện tích góp đất trồng cao su manh mún, rải rác, khi có mưa sẽ gây khó khăn cho việc đi lại và quá trình tổ chức sản xuất của công ty. Một số diện tích cao su bị bệnh phấn trắng phải tạm ngừng thu hoạch. Mặt khác, dịp này giá thành mủ cao su trên thị trường thấp nên ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp.

Anh Lò Văn Một, bản Tin Tốc, xã Mường Pồn (huyện Ðiện Biên) - Công nhân Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên cho biết: Gia đình tôi góp 4,8ha đất để trồng cây cao su. Từ khi cây cao su được thu hoạch mủ, tôi và người dân địa phương có thêm việc để làm, thu nhập cũng tăng lên. Ngày trước phải đi làm thuê xa, công việc không ổn định, nay cả 2 vợ chồng tôi đều làm công nhân cho công ty; đi làm gần nhà, công việc và thu nhập lại ổn định hơn.

Ðược biết, hiện nay trên địa bàn xã Mường Pồn có 555,42ha cây cao su. Nói về những lợi ích từ cây cao su mang lại, ông Quàng Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Pồn khẳng định: Từ khi trồng cây cao su trên địa bàn đã tạo việc làm ổn định cho nhiều người dân trong xã, từ đó người dân cũng bỏ dần việc phát rừng làm nương. Ðặc biệt, ở 2 bản Huổi Chan 1 và Tin Tốc, đa số người dân vào làm công nhân khai thác mủ cho Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên. Vào những tháng cao điểm, có công nhân thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng. Dịp đầu năm 2018, Công ty đã phối hợp với xã chi trả lợi tức 10% cho bà con góp đất trồng cao su; việc chi trả đã thực hiện được 80% của năm 2017. Từ khi được tập huấn cạo mủ cao su đến lúc đi làm công nhân và hưởng lợi trực tiếp, người dân đã thực sự nhận thấy rõ những lợi ích cây cao su mang lại.

Thực tế chứng minh, từ khi dự án trồng cây cao su được triển khai trên địa bàn tỉnh, nhất là một số diện tích đã cho thu hoạch mủ, càng không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế từ cây cao su mang lại cho người dân địa phương. Ðể tiếp tục mở rộng diện tích thu hoạch mủ, Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên đang khảo sát, kiểm kê diện tích vườn cao su, diện tích nào đủ tiêu chuẩn sẽ đưa vào thu hoạch mủ trong năm 2019. Theo đánh giá của ông Phan Văn Lợi thì năng suất, sản lượng và chất lượng mủ của cao su Ðiện Biên so với 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu là tương đương nhau, nhưng cao hơn so với các tỉnh miền Trung và thấp hơn so với các tỉnh Nam Bộ, do các địa phương khác nhau về điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng. Một cây cao su cho khai thác mủ trong khoảng thời gian 20 năm và khi toàn bộ diện tích cao su trên địa bàn tỉnh được thu hoạch, đồng nghĩa với việc sẽ tạo việc làm ổn định, lâu dài cho nhiều người dân địa phương...

Trả lời câu hỏi về thị trường tiêu thụ, ông Phan Văn Lợi cho biết: Toàn bộ số mủ cao su đơn vị đã ký hợp đồng dài hạn bán cho Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và một số bán ra thị trường cho các doanh nghiệp tư nhân. Nói về việc đầu tư xây dựng Nhà máy Chế biến mủ cao su tại Ðiện Biên, ông Phan Văn Lợi cung cấp thông tin: Hiện tỉnh Sơn La chuẩn bị khánh thành nhà máy và tỉnh Lai Châu cũng chuẩn bị khởi công xây dựng Nhà máy Chế biến mủ cao su. Riêng đối với tỉnh Ðiện Biên hiện đã lập hồ sơ dự án xây dựng nhà máy nhưng vẫn chưa thể triển khai thực hiện, bởi chưa giải phóng được mặt bằng. Mặt khác, để xây dựng một nhà máy chế biến mủ cao su có công suất tối thiểu cũng phải đạt 3.000 tấn/năm; trong khi đó, Ðiện Biên hiện mới chỉ đạt sản lượng khoảng 1.000 tấn mủ nên việc xây dựng nhà máy chế biến là có phần lãng phí. Tuy nhiên, theo lộ trình, dự kiến đến năm 2021 khi sản lượng mủ cao su đạt gần 3.000 tấn, thì dự án xây dựng nhà máy chế biến mủ tiếp tục được thực hiện.

Linh Giang
Bình luận
Back To Top