Mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng Việt

09:56 - Thứ Tư, 02/01/2019 Lượt xem: 9075 In bài viết

Năm qua, hàng hóa Việt Nam đã có mặt tại 200 quốc gia trên thế giới; trong đó, có 50 thị trường được xác định là chủ lực. Năm 2018 đánh dấu cột mốc mới về tăng trưởng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt đã tiếp cận và khai thác nhiều thị trường mới. 

 

Sản xuất đồ gỗ đạt kim ngạch xuất khẩu cao.

Đa dạng sản phẩm để tăng trưởng xuất khẩu 

Phân tích về dung lượng thị trường, theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương), nếu tận dụng tốt các lợi thế từ hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, tiềm năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam còn rất lớn. Ước tính thị trường ASEAN là hơn 21 tỷ USD, Trung Quốc gần 36 tỷ USD, Nhật Bản gần 17 tỷ USD, Hàn Quốc gần 15 tỷ USD, Australia và New Zealand là 3,76 tỷ USD… Ngoài ra, nếu trong năm 2019, các hiệp định RCEP, EU, CPTPP và Hoa Kỳ lần lượt được thông qua thì kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lần lượt có thể đạt ở mức hơn 361 tỷ USD, 38 tỷ USD, 34 tỷ USD và 41 tỷ USD. 

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, cho biết năm nay kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đạt 9,3 tỷ USD (vượt hơn chỉ tiêu đặt ra là 9 tỷ USD), xuất siêu đạt 7 tỷ USD, cao nhất trong các ngành của cả nước. Thị trường Hoa Kỳ và châu Âu vẫn là thị trường tiềm năng nhất với DN chế biến gỗ Việt Nam, nhưng thực tế thì các DN trong nước chỉ mới đáp ứng chưa đầy 1% nhu cầu tiêu dùng của các thị trường này. Còn ở thị trường khác như Mexico, Canada, Australia, New Zealand, Nhật… kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ khiêm tốn hơn, chiếm chưa tới 1% thị phần tiêu thụ. Ở góc độ khác, nhiều DN cho rằng Hoa Kỳ vẫn là thị trường chủ lực. Bởi, trong tổng số 29 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD năm 2018 đã có 10 nhóm hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ. 

Theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, để có thể xác định thị trường chủ lực cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, cần thiết phải xác định thế mạnh của nhóm hàng tương ứng với từng thị trường để có định vị thị trường xuất khẩu phù hợp. Cụ thể, với nhóm hàng nông sản, thủy sản, dựa vào tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cho thấy, các thị trường xuất khẩu lớn lần lượt là Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, với nhóm hàng công nghiệp, vị trí các thị trường xuất khẩu chính lại thay đổi, lần lượt là Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc… 

Một vấn đề khác, hiện Việt Nam đã chính thức ký 13 FTA. Hầu hết các hiệp định này đã được các nước thông qua. Thực tế này đang tạo cơ hội cho hàng Việt rộng cửa hơn vào các thị trường xuất khẩu. Do đó, ngoài những thị trường chủ lực mà DN Việt đã tham gia sâu vào thị phần xuất khẩu, cần thiết đẩy mạnh khai thác thị trường mới, nhất là những thị trường đã cam kết cắt giảm thuế quan từ các FTA ký kết với Việt Nam. Mở rộng thị trường xuất khẩu cũng đồng nghĩa với khả năng giảm rủi ro xuất khẩu cho DN nội. 

Mạnh tay dỡ các rào cản kìm hãm DN

Tuy nhiên, DN nội đang phải đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu sang các thị trường này. Bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết để nông sản Việt tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất thiết phải hướng đến và đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Tiêu chuẩn này không đơn thuần chỉ là sản phẩm sạch, mà DN và hộ nông dân phải đảm bảo yếu tố “sạch” từ khâu nguyên liệu đầu vào (đối với hoạt động sản xuất) và gieo trồng (đối với nông hộ) đến khâu sản xuất, canh tác. Cuối cùng là khâu tạo ra sản phẩm và vận chuyển sản phẩm đến hệ thống phân phối. 

Tương tự, với sản phẩm dệt may, hiện nhiều thương hiệu may lớn trên thế giới đã thực hiện cam kết trách nhiệm với người tiêu dùng. Cam kết này buộc DN gia công, sản xuất sản phẩm dệt may cho các thương hiệu này phải chuyển đổi quy trình sản xuất và nguyên liệu đầu vào sao cho an toàn với sức khỏe người tiêu dùng, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, năng lượng và giảm thiểu chất thải. Hay như để xuất khẩu sản phẩm chế biến lương thực, thực phẩm vào thị trường Hoa Kỳ, phải đáp ứng Luật Hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm…  

Ở chiều ngược lại, theo ông Trần Đình Thiên, Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam, để tăng nội lực xuất khẩu cũng như khả năng cạnh tranh của DN Việt ở thị trường trong nước cũng như nước ngoài, cần thiết phải nỗ lực cắt giảm rào cản kinh doanh nội tại, nhất là rào cản liên quan đến thủ tục hành chính về điều kiện kinh doanh. Hiện vẫn còn gần 5.000 giấy phép và hơn 4.000 quy định điều kiện kinh doanh theo quản lý ngành. Chính phủ đã quy định đến giữa năm 2018, các bộ phải cắt giảm 1/2 điều kiện kinh doanh do bộ đặt ra. Thế nhưng, cho đến nay vẫn còn nhiều bộ ngành chưa thực hiện được yêu cầu trên. Thậm chí, ở một số bộ ngành còn xảy ra tình trạng phản ứng ngược theo hình thức cắt bỏ điều kiện kinh doanh này nhưng lại ban hành điều kiện kinh doanh khác, gây khó khăn hơn cho DN. Do vậy, cùng với chính sách hỗ trợ vốn, công nghệ, kết nối thị trường cho DN, Chính phủ cũng cần mạnh tay xử lý nghiêm những bộ không đạt yêu cầu về cắt giảm thủ tục gây phiền hà cho DN. 

Song song đó, các cơ quan chức năng cần phát huy hiệu quả vai trò của mình trong việc hỗ trợ DN nội nắm bắt rào cản kỹ thuật mới trên thị trường thế giới. Từ đó, DN sẽ chủ động chuyển đổi quy trình, kế hoạch sản xuất đáp ứng yêu cầu mới, giảm thiểu rủi ro trong xuất khẩu hàng hóa. Đây cũng là giải pháp để DN trong nước tạo dựng thương hiệu bền vững cho hàng Việt xuất khẩu trên thị trường quốc tế.

Những vấn đề như sự mất cân đối trong kim ngạch xuất khẩu giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và trong nước, kinh tế phụ thuộc nhiều vào FDI, hay dù hội nhập sâu rộng nhưng việc tận dụng, khai thác còn kém, khu vực trong nước yếu kém, khó cải thiện nhanh… cũng cần được tính toán lại. Theo đó, nhất thiết phải kéo giảm khoảng cách kim ngạch xuất khẩu giữa DN trong nước và DN FDI bằng cách hỗ trợ DN nội tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng nội lực xuất khẩu tại chỗ. 

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top