Mường Chà phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc

08:57 - Thứ Tư, 09/01/2019 Lượt xem: 8130 In bài viết

ĐBP - Theo thống kê của Trạm Thú y huyện Mường Chà, đàn gia súc trên địa bàn huyện hiện có gần 16.000 con trâu, bò; hơn 2.000 con ngựa; 31.000 con lợn và trên 7.000 con dê. Do đang trong mùa rét nên gia súc rất dễ mắc các bệnh như: Tụ huyết trùng, lở mồm long móng, dịch tả, tai xanh, thương hàn... Thực tế, trên địa bàn huyện đã có nhiều gia súc mắc bệnh trong thời gian qua. Nhiều nhất phải kể đến xã Pa Ham với hơn 40 con trâu, bò mắc tụ huyết trùng, trong đó hơn 20 con bị chết, số còn lại đã được điều trị khỏi. Gần nhất là xã Sa Lông có hơn 10 con trâu, bò bị lở mồm long móng, trong đó có 3 con bị chết.

Ngoài ra, bệnh tụ huyết trùng cũng xuất hiện nhỏ lẻ tại các xã: Huổi Lèng, Ma Thì Hồ, Nậm Nèn. Anh Sình A Ly, bản Pu Ca, xã Sa Lông cho biết: Thời gian qua, nhiều gia súc của người dân trong bản bị lở mồm long móng. Gia đình tôi cũng có 4 con trâu bị mắc bệnh. Song nhờ được điều trị, chăm sóc kịp thời, đàn trâu của gia đình tôi đã khỏi bệnh.

Tìm hiểu thêm về công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, ông Ðinh Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết: Huyện đã nắm được thông tin có gia súc mắc bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng trên địa bàn và đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, chính quyền các xã tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi của người dân. Nhiều biện pháp chăm sóc gia súc đã được đưa ra, như: Cử cán bộ thú y trực tiếp xuống các thôn, bản theo dõi, kiểm tra tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm, cách ly gia súc bị bệnh, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, điều trị bệnh. Khi gia súc bị lở mồm long móng, thường xuyên rửa chân, mồm cho gia súc bằng thuốc sát trùng hoặc lá chua, lá chát, quả khế kết hợp với tiêm thêm thuốc trợ lực. Với gia súc mắc bệnh tụ huyết trùng cần điều trị bằng thuốc kháng sinh theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Mặt khác, huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng bệnh và phòng chống đói rét cho gia súc bằng các biện pháp: Gia cố chuồng trại và che chắn xung quanh để tránh rét; tích trữ cỏ bổ sung thức ăn có nhiều tinh bột, khoáng cho đàn gia súc; khi nhiệt độ dưới 100C không chăn thả gia súc mà nhốt, đốt lửa sưởi ấm cho gia súc trong chuồng.

Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, trong tháng 10/2018, huyện Mường Chà đã tổ chức tiêm 13.000 liều vắc xin lở mồm long móng mũi 2. Ðồng thời, huyện triển khai tiêm phòng vắc xin định kỳ vụ thu đông 2018, trong đó tiêm 13.100 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò; 22.000 liều vắc xin dịch tả lợn và 9.000 liều vắc xin tụ huyết trùng lợn... Chủ động ngăn chặn mầm bệnh phát sinh và lây lan, tạo môi trường an toàn cho chăn nuôi; trong tháng 1/2019, huyện sẽ phun hơn 1.720 lít hóa chất tiêu độc khử trùng tại các xã, thị trấn trên địa bàn, tập trung vào khu vực chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, các điểm có gia súc mắc bệnh, một số khu vực bãi rác, điểm chợ…

Ðể công tác phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả, hạn chế số lượng gia súc mắc và bị chết do bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng trên địa bàn; thời gian tới, Mường Chà sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan và chính quyền các xã chú trọng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh nhằm duy trì sự phát triển ổn định cho đàn vật nuôi, tránh để dịch bệnh bùng phát, lây lan ra diện rộng; thường xuyên theo dõi, báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là tại các xã đã có gia súc mắc bệnh. Tập trung tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phòng chống đói rét cho gia súc; thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, khi phát hiện gia súc có triệu chứng mắc bệnh hoặc bị chết, cần báo ngay cho cán bộ thú y xã để được hướng dẫn chăm sóc, điều trị kịp thời, tránh để lây lan thành ổ dịch.

Huyền Lâm
Bình luận
Back To Top