Quản lý chặt chẽ, hiệu quả ngân sách và nợ công

09:07 - Thứ Tư, 09/01/2019 Lượt xem: 9513 In bài viết

ĐBP - Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 51/NQ - CP, ngày 19/6/2017 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07 - NQ/TW, ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; tỉnh đã vận dụng cụ thể vào tình hình thực tế của địa phương để ban hành các giải pháp chỉ đạo thực hiện và có giải pháp cụ thể theo từng đơn vị để triển khai thực hiện.

Tỉnh đã tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, các nghị quyết của Quốc hội, chương trình hành động của Chính phủ liên quan đến chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Thực hiện chi ngân sách địa phương giai đoạn 2017 - 2020 đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững theo mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIII. Từng bước siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách Nhà nước; tăng cường công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp, các ngành về thu, chi ngân sách Nhà nước; sử dụng vốn vay và xử lý nợ công. Ðảm bảo cân đối thu, chi ngân sách; kiểm soát chặt chẽ dư nợ vay ngân sách địa phương, đảm bảo từ năm 2019 trở đi số dư nợ vay ngân sách địa phương không vượt quá 20% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Việc cơ cấu lại thu, chi ngân sách địa phương và quản lý nợ công trên địa bàn được thực hiện gắn liền với đẩy mạnh đầu tư hạ tầng sản xuất, hạ tầng giao thông, thủy lợi; khai thác hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính công, đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước để đầu tư, ưu tiên phân bổ vốn cho các dự án đầu tư trọng điểm, dự án quan trọng cấp bách và các dự án có tác dụng lan toả kích thích phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng cao hiệu quả phân bổ, sử dụng ngân sách Nhà nước, trong thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020, Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường quản lý chi ngân sách đảm bảo tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả, không ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách Nhà nước khi chưa có nguồn đảm bảo. Thực hiện cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, hạn chế tối đa việc tổ chức hội nghị, hội thảo, tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước; rà soát điều chuyển nguồn vốn các dự án đến ngày 30/6 chưa triển khai, các dự án đến ngày 30/9 giải ngân thấp sang các dự án có khả năng hoàn thành đưa vào sử dụng ngay trong năm ngân sách. Phân bổ nguồn vốn đầu tư đảm bảo nguyên tắc trả nợ vốn vay đến hạn, hoàn trả vốn ứng trước, các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng còn thiếu vốn, các dự án tiếp chi, sau đó mới đến các dự án cần thiết khởi công mới. Ðối với nguồn vốn đầu trong cân đối đảm bảo bố trí đủ 20% đầu tư cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo và dạy nghề; 100% nguồn thu từ xổ số kiến thiết đầu tư cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề và y tế. Dành tối thiểu 80% nguồn thu từ tiền sử dụng đất trên địa bàn các xã để đầu tư cho các xã chưa hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Ðối với phần ngân sách tỉnh hưởng theo phân cấp thì sử dụng 50% số thu còn lại (sau khi trừ đi 10%) để bổ sung cho quỹ phát triển đất; 50% còn lại hoà cùng nguồn vốn xây dựng cơ bản trong cân đối ngân sách để bố trí cho các công trình, dự án theo quy định.

Ðối với chi thường xuyên, ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, khoa học và công nghệ, chi bảo vệ môi trường không thấp hơn mức của Trung ương giao; dành 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất để các huyện, thị xã, thành phố chủ động sử dụng cùng với nguồn kinh phí được giao theo phân cấp và các nguồn hợp pháp khác thực hiện công tác đo đạc, đăng ký đất đai, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của UBND tỉnh. Việc mua sắm tài sản được các ngành, đơn vị, UBND các cấp tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng và mua sắm tài sản Nhà nước theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng tài sản công. Thực hiện an toàn nợ công ngân sách địa phương đảm bảo dư nợ vay trong phạm vi quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, tính đến hết năm 2018 tỉnh không phát sinh khoản vay mới, hạn mức được vay năm 2019 là 201.907 triệu đồng, tổng dư nợ vay 131.841 triệu đồng (không vượt trần nợ công cho phép).

Ðể nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về tài chính - ngân sách, nợ công; việc cơ cấu lại chi ngân sách tiếp tục được tỉnh thực hiện triệt để nhằm tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong chi cân đối ngân sách địa phương theo hướng tăng dần qua các năm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để chống thất thu, ngăn chặn các hành vi trốn thuế, chống thất thoát, lãng phí trong chi ngân sách Nhà nước, đặc biệt là trong chi đầu tư xây dựng cơ bản. Kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ chính quyền địa phương; bố trí nguồn đảm bảo trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Các khoản vay mới chỉ thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động lên quy mô nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn.

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top