Tăng trưởng tín dụng năm 2019 là 14%

14:59 - Thứ Tư, 09/01/2019 Lượt xem: 7289 In bài viết

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019 diễn ra sáng 9-1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, năm 2019, tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức 14% (năm 2018 cũng là 14%). 

Tuy nhiên, việc điều hành tăng trưởng tín dụng với các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ có sự khác nhau. Những tổ chức nào được Ngân hàng Nhà nước công nhận chuẩn Basel II, hoạt động an toàn lành mạnh sẽ được cho mức tăng trưởng tín dụng cao hơn dù tổng thể tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức 14%.

Cũng theo ông Lê Minh Hưng, năm 2019, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, ổn định để đảm bảo niềm tin của thị trường; quan tâm chất lượng, hiệu quả thanh tra giám sát, nhất là giám sát từ xa với các tổ chức tín dụng; nhất quán việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Theo báo cáo, năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 3,54% và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% - cao nhất trong 11 năm trở lại đây. Đến cuối năm 2018, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2017.

Mặt bằng lãi suất được duy trì ổn định trong bối cảnh lãi suất thị trường quốc tế tăng; lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9% đối với ngắn hạn và trung, dài hạn khoảng 9-11%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó, tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, thông suốt. Cơ quan điều hành đã tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước. Trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động và linh hoạt điều tiết thị trường ngoại hối, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền VND hợp lý để ổn định thị trường, có điều kiện bổ sung dự trữ ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản đảm bảo.

Đối với công tác xử lý nợ xấu, theo Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu đã được xử lý một bước quan trọng. Ước tính đến cuối tháng 12-2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 149.220 tỷ đồng nợ xấu; tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và 1,99% năm 2017.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top