Doanh nghiệp cần được hỗ trợ hiệu quả hơn

08:36 - Thứ Năm, 10/01/2019 Lượt xem: 9559 In bài viết

ĐBP - Ngay sau khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có hiệu lực thi hành, thực hiện Chỉ thị số 15/CT- TTg, ngày 15/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV; Ðiện Biên đã có nhiều giải pháp nhằm giúp DNNVV trên địa bàn tiếp cận được với các nội dung hỗ trợ theo Luật để phát triển sản xuất kinh doanh, song còn nhiều khó khăn.


 

Bà Nguyễn Thị Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản thực phẩm sinh thái Ðiện Biên (thứ hai bên trái) tại lễ ra mắt các sản phẩm sữa gạo lứt năm 2017.

Hiện có 1.192 doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đang hoạt động ở hầu khắp các lĩnh vực của nền kinh tế, phát triển kinh doanh đa ngành nghề, góp phần tạo việc làm cho người lao động. Ðể DNNVV biết đến các nội dung hỗ trợ theo Luật hỗ trợ DNNVV, tỉnh đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hỗ trợ DNNVV; xây dựng và triển khai các đề án, chương trình, nội dung hỗ trợ… Giúp DNNVV tiếp cận tín dụng phù hợp, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và ưu tiên nguồn vốn cho các lĩnh vực quan trọng để xây dựng chương trình cho vay với lãi suất hợp lý, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng kết hợp với đổi mới quy trình cho vay, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phục vụ phát triển kinh doanh. Năm 2018, cho vay hỗ trợ DNNVV đạt 13 tỷ đồng (tăng 4 tỷ đồng so với năm 2017).

Các chính sách về thuế nói chung, chính sách về thuế đối với DNNVV được cơ quan thuế trong tỉnh quan tâm và các ngành liên quan quan tâm giải quyết đầy đủ và kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận được chính sách về thuế mới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Ông Bùi Mạnh Chuyển, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Hỗ trợ DNNVV trong việc kê khai thuế, Cục Thuế tỉnh đã nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của ngành Thuế để đáp ứng việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử cho các doanh nghiệp đăng ký sử dụng. Năm 2018, có 100% doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện kê khai thuế qua mạng internet, 100% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử. Thực hiện công khai, minh bạch quy trình và toàn bộ thủ tục hành chính lĩnh vực thuế trên website Cục Thuế và tại trụ sở cơ quan thuế các cấp; đảm bảo 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra theo quy định và 100% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời gian quy định của pháp luật.

Song song với đó, tỉnh thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn thông qua tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Gần đây nhất là cuối tháng 9/2018, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Ðầu tư và các cơ quan có liên quan tổ chức Hội nghị Ðối thoại về giải quyết tranh chấp trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành, với đại diện 100 DNNVV trên địa bàn tham gia; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ DNNVV và hộ kinh doanh thông qua chương trình đào tạo cho cán bộ làm công tác hỗ trợ DNNVV; tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp cho các hộ kinh doanh khi có nhu cầu chuyển đổi lên doanh nghiệp. Ðồng thời, triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến. Tỉnh đã lựa chọn và giới thiệu cho Liên minh HTX Việt Nam 12 DNNVV trên địa bàn có khả năng liên kết chuỗi giá trị hàng hóa, dịch vụ với HTX để xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ gắn với chuỗi giá trị giai đoạn 2018 - 2020.

Tuy nhiên, do Ðiện Biên là tỉnh nghèo, tình hình ngân sách địa phương hạn hẹp nên việc sử dụng ngân sách địa phương kết hợp với nguồn lực của doanh nghiệp để tiến hành các hoạt động xây dựng, quảng bá, nâng cao uy tín của doanh nghiệp và một số mặt hàng hiện đang là thế mạnh của tỉnh (gạo Ðiện Biên, cà phê Mường Ảng); việc chắp nối và giới thiệu sản phẩm, giúp các doanh nghiệp địa phương tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước, định hướng cho các doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường nước ngoài còn hạn chế. Nhu cầu về đất đai, mặt bằng sản xuất còn là khó khăn, nhiều doanh nghiệp chưa có đất để xây dựng trụ sở, nhà xưởng; doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất để phục vụ cho việc kiến thiết xây dựng và mở rộng ngành nghề sản xuất kinh doanh nhưng chưa được giao đất, cho thuê đất. Trong khi việc hỗ trợ mặt bằng sản xuất theo quy định tại Ðiều 11, Luật Hỗ trợ DNNVV, việc bố trí quỹ đất tập trung cho DNNVV tại địa phương lại chưa được triển khai. Một số chính sách hỗ trợ triển khai đến DNNVV hiệu quả chưa cao, như chính sách hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh chưa đủ lợi ích để thu hút hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp (vì chỉ được miễn lệ phí đăng ký, miễn thuế môn bài 3 năm)…

Bà Nguyễn Thị Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản thực phẩm sinh thái Ðiện Biên chia sẻ: Các sản phẩm sữa gạo lứt của Công ty được sản xuất liên kết thành một chuỗi sản xuất, chế biến sau thu hoạch và cung ứng đến tay người tiêu dùng. Hiện sản phẩm có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và được ưa chuộng. Nhằm đưa nông sản Ðiện Biên có giá trị cao hơn về chất lượng, xây dựng thương hiệu hàng hóa cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước, Công ty mong muốn được tạo điều kiện để tiếp tục phát triển thị trường trong nước và nước ngoài thông qua các chương trình xúc tiến thương mại và các chính sách hỗ trợ sản xuất.

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top