Chủ động phòng, chống bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn

09:00 - Thứ Sáu, 11/01/2019 Lượt xem: 10117 In bài viết

ĐBP - Trên địa bàn huyện Ðiện Biên, từ ngày 14 - 29/12/2018 xuất hiện gia súc có triệu chứng lâm sàng bệnh lở mồm long móng (LMLM) tại 19 hộ chăn nuôi của 4 xã: Thanh Chăn, Thanh An, Thanh Luông, Thanh Yên. Tổng số gia súc mắc bệnh là trên 240 con; đã chết, tiêu hủy 26 con. Sau khi nhận được thông tin về dịch bệnh, ngày 2/1 Chi cục Thú y đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm. Ðồng thời, chỉ đạo Trạm Thú y huyện phối hợp với chính quyền địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thảo là một trong những hộ nuôi lợn số lượng lớn ở đội 11, xã Thanh Chăn với 70 con. Chị Thảo cho biết: Ngày 20/12/2018, gia đình bắt đầu phát hiện một số con lợn có biểu hiện bỏ ăn, đi khập khiễng... Thấy vậy tôi báo với cán bộ thú y xã, đồng thời mua thuốc kháng sinh về điều trị cho lợn và phun khử trùng chuồng trại hàng ngày. Ðến nay, đã có 8 con lợn bị chết; một số con khác cũng đang có dấu hiệu mắc bệnh. Theo kinh nghiệm chăn nuôi của tôi, những con lợn bị chết là do nhiễm thêm những bệnh khác như phổi, ho… còn nếu chỉ mắc LMLM thì lợn không chết nhanh như vậy. Ðể chữa bệnh triệt để và phòng ngừa bệnh tái phát, lây lan hàng ngày tôi vẫn phun khử trùng chuồng trại và trên đàn vật nuôi; vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ.

Ông Phạm Minh Tiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn, cho biết: Xã có nhiều hộ nuôi lợn, tổng số đàn lợn toàn xã hiện nay trên 3.000 con. Từ cuối tháng 12/2018 đến ngày 2/1/2019, xã có 9 hộ có lợn mắc bệnh với biểu hiện của LMLM; số lợn chết thống kê sơ bộ đến thời điểm này là trên 40 con. Nguyên nhân do nhiều năm nay trên địa bàn xã không xuất hiện bệnh LMLM trên đàn lợn, người dân còn chủ quan trong công tác phòng ngừa dịch bệnh cho gia súc nên một thời gian dài không chú ý tiêm phòng bệnh LMLM cho lợn. Ngay khi xuất hiện bệnh dịch, chính quyền xã đã chỉ đạo các trưởng thôn, bản yêu cầu người dân vệ sinh chuồng trại; đảm bảo thức ăn cho đàn vật nuôi trong những ngày giá rét. Ðồng thời, xã chỉ đạo cán bộ thú y tích cực nắm bắt địa bàn để kịp thời phát hiện dịch bệnh, đánh giá mức độ thiệt hại và có các giải pháp phòng trừ.

Nguy cơ bệnh LMLM lây lan ra diện rộng là rất cao, do thời tiết bước vào thời điểm rét đậm, rét hại làm giảm sức đề kháng của vật nuôi. Ðây cũng là thời gian cao điểm của việc vận chuyển lợn từ các địa phương khác vào địa bàn tỉnh phục vụ Tết Nguyên đán. Ông Ðỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Sau khi có thông tin về tình hình bệnh nghi LMLM trên gia súc, Chi Cục Thú y đã tiến hành kiểm tra, giám sát và lấy mẫu xét nghiệm để xác định vi rút gây bệnh và có giải pháp phòng trừ. Tình hình bệnh dịch đến thời điểm này cơ bản tạm ổn. Ðể khống chế và ngăn chặn kịp thời các ổ dịch phát sinh, không để lây lan ra diện rộng, chi cục tăng cường công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng và cử cán bộ túc trực, giám sát chặt chẽ vùng ổ dịch. Từ khi phát hiện bệnh đến nay khoảng 15 ngày, là thời gian đủ để cho gia súc phục hồi. Ðối với các hộ chăn nuôi lớn, số lợn chết nhiều là do phát sinh thêm một số bệnh khác. Bởi vậy, người chăn nuôi cần tích cực vệ sinh chuồng trại, bởi đối với bệnh LMLM, khâu chăm sóc và vệ sinh chuồng trại rất quan trọng. Khi phát hiện gia súc bị bệnh, người dân cần khẩn trương cách ly khỏi những con khỏe mạnh để tập trung chăm sóc, điều trị, tránh lây bệnh ra cả đàn gia súc. Ðồng thời, chủ động mua vắc xin phòng bệnh LMLM trên đàn vật nuôi bởi vắc xin LMLM không được hỗ trợ trong chương trình tiêm vắc xin định kỳ do tổng đàn lợn lớn trong khi nguồn kinh phí hạn chế.

Lan Phương
Bình luận
Back To Top