Thành phố Ðiện Biên Phủ

Phát triển cây lương thực có hạt

09:08 - Thứ Hai, 14/01/2019 Lượt xem: 11604 In bài viết

ĐBP - Mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của thành phố với gần 2,8% (năm 2018) song lĩnh vực sản xuất nông - lâm - thủy sản, nhất là phát triển cây lương thực có hạt vẫn luôn được TP. Ðiện Biên Phủ quan tâm đầu tư và đạt được những kết quả khả quan khi giá trị sản xuất năm sau luôn cao hơn năm trước.

 

Nông dân bản Na Lanh, phường Thanh Trường gieo lúa vụ đông xuân.

Cây lương thực có hạt đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn thành phố thời gian qua, với hai loại cây trồng chủ yếu là lúa và ngô. Năm 2018, tổng diện tích cây lương thực gieo trồng cả năm của thành phố đạt trên 1.300ha. Trong đó, diện tích lúa nước chiếm hơn 970ha, diện tích ngô gần 340ha; còn lại là các loại cây trồng khác như: lúa nương, sắn, cao su, cà phê. Nhằm nâng cao giá trị sản xuất cây lương thực có hạt, TP. Ðiện Biên Phủ chú trọng tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ðồng thời, vận động người dân tích cực chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hệ số sử dụng đất bằng cách thâm canh, tăng vụ, tăng diện tích sản xuất cây trồng vụ đông. Thực hiện hỗ trợ sản xuất, trong năm 2018, thành phố đã trợ giá khoảng 17.000kg thóc giống, ngô giống các loại với tổng kinh phí trên 65 triệu đồng.

Ðể sản xuất nông nghiệp thuận lợi, đạt hiệu quả cao thành phố chú trọng đầu tư xây dựng và sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng. Trong giai đoạn 2013 - 2017, TP. Ðiện Biên Phủ đã đầu tư xây dựng, sửa chữa 32 công trình kênh mương, thủy lợi với tổng nguồn vốn gần 29,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước đầu tư 27,86 tỷ đồng, huy động nhân dân đóng góp và nguồn vốn khác trên 1,6 tỷ đồng. Trong năm 2018, một số công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp được thành phố triển khai xây dựng như: Ðập dâng nước bản Na Lơi, xã Thanh Minh; kênh mương Co Sản, bản Nà Nghè, xã Tà Lèng… Ðể bảo vệ và nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống kênh mương nội đồng, các công trình thủy lợi, UBND các xã, phường đã giao cho các tổ dân phố, bản trực tiếp quản lý, khai thác, vận hành công trình. Ðồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân nạo vét bùn lòng kênh, phát cây dọn cỏ bờ kênh, duy tu bảo dưỡng công trình. Từ đó tạo điều kiện cho người dân mở rộng diện tích sản xuất, nhiều diện tích nương bỏ hoang được phục hóa thành ruộng nước, chuyển ruộng sản xuất 1 vụ thành 2 vụ.

Với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, năm 2018 giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản trên địa bàn thành phố đạt 210 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch (tăng 30,34 tỷ đồng so với năm 2017); sản lượng lương thực đạt trên 7.600 tấn, đạt 108,6% kế hoạch (tăng 4,55% so với năm 2017).

Ông Trần Ngọc Sơn, Phó phòng Kinh tế thành phố cho biết: Trong đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đến năm 2020, thành phố tập trung phát triển các cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng lớn theo chuỗi giá trị; trọng tâm là cơ cấu lại một số cây trồng chính. Trước hết, đối với diện tích gieo trồng lúa nước phấn đấu đạt 976ha, sản lượng gần 6.000 tấn với các giống IR64, Bắc thơm số 7, HDT10 thực hiện sản xuất theo mô hình VietGap, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, gắn chế biến và tiêu thụ sản phẩm tại 2 phường chuyên canh lúa là Thanh Trường và Nam Thanh. Ðối với cây ngô, tiếp tục duy trì và tăng diện tích ngô trên đất ruộng 1 vụ, phấn đấu đến 2020 sản lượng đạt trên 1.000 tấn.

Bài, ảnh: Ðức Huy
Bình luận
Back To Top