Ðể người Việt tin dùng hàng Việt

09:15 - Thứ Tư, 16/01/2019 Lượt xem: 7865 In bài viết

ĐBP - Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là cuộc vận động) đã và đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ khi đưa hàng Việt chiếm lĩnh thị trường các địa phương trong tỉnh. Nhất là góp phần quan trọng thay đổi nhận thức về việc sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường, chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng mẫu mã, giá cả hợp lý.

Ðể người dân hiểu hơn ý nghĩa, lợi ích từ cuộc vận động; thành viên Ban Chỉ đạo cuộc vận động và MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị xã hội, các doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tới các tầng lớp nhân dân; gắn thực hiện cuộc vận động với các phong trào thi đua yêu nước. Các cơ quan, đơn vị khối Nhà nước khi trang bị, mua sắm tài sản công đã ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam, người dân tích cực tham gia hưởng ứng cuộc vận động; ưu tiên lựa chọn, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt. Trong năm 2018, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với Sở Công Thương triển khai tuyên truyền cuộc vận động tại xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ); xã Nà Tấu (huyện Ðiện Biên); xã Na Son (huyện Ðiện Biên Ðông)… thu hút đông đảo người dân tham gia.

Ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Ngành đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp công nghiệp, thương mại trên địa bàn tích cực hưởng ứng cuộc vận động, sản xuất các loại hàng hóa chất lượng, phát triển mạng lưới phân phối, hướng về thị trường nội địa, đặc biệt là thị trường vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, miền núi. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm địa phương trên trang website của Sở; triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 389 về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường chống buôn lậu hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại… Qua công tác thông tin, tuyên truyền đã góp phần đẩy mạnh phong trào hưởng ứng cuộc vận động trong tập thể cán bộ, công nhân viên, lao động và nhân dân trong tỉnh, ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt.

Ngành Công Thương cũng đẩy mạnh khuyến công nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trong công tác đào tạo nghề, hỗ trợ công nghệ mới… Ðến nay, Sở Công Thương đã chỉ đạo tổ chức thực hiện 9 đề án khuyến công, 5 cuộc hội chợ thương mại (2 cuộc tại TP. Ðiện Biên Phủ, 1 cuộc ở huyện Tuần Giáo, 1 cuộc ở huyện Mường Ảng và 1 cuộc ở huyện Tủa Chùa) với hơn 600 gian hàng. Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại tổ chức 2 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại các huyện Mường Nhé và Ðiện Biên Ðông. Các mặt hàng Việt Nam được trưng bày, giới thiệu, bày bán tại hội chợ chủ yếu là thực phẩm công nghệ, đồ gia dụng, hàng may mặc, thủ công mỹ nghệ, hàng nông sản, thiết bị viễn thông, điện tử, điện gia dụng…

Tạo niềm tin của nhân dân trong việc ưu tiên lựa chọn, tiêu dùng hàng Việt; các lực lượng chức năng đã tăng cường phối hợp làm tốt công tác quản lý thị trường, kiểm tra chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng, kiểm tra công tác niêm yết giá và bán theo giá niêm yết… Kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, góp phần bình ổn thị trường, ngăn chặn hàng giả, các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ người tiêu dùng. Riêng trong năm 2018, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 2.132 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 687 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 558 triệu đồng.

“Tiếp sức” cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh hàng Việt Nam, các ngân hàng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc quy định lãi suất tiền gửi tối đa, tiết kiệm chi phí để áp dụng lãi suất vay với mức vay hợp lý; xem xét tiếp tục điều chỉnh lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ để chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp và các hộ dân trên địa bàn. Ưu tiên tập trung vốn hỗ trợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn… Hưởng ứng cuộc vận động, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trên địa bàn đã lựa chọn các nguyên, nhiên liệu trong nước, nâng cao cải tiến kỹ thuật để sản xuất các sản phẩm đảm bảo về chất lượng, đa dạng về mẫu mã có sức cạnh tranh, ổn định giá bán sản phẩm ngày càng uy tín đối với người tiêu dùng và trở thành thế mạnh trong sản xuất của tỉnh cũng như trong nước, như: Xi măng Ðiện Biên, chè Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng…

Từ một địa phương còn nhiều khó khăn, người dân thường sử dụng hàng Trung Quốc cho nhu cầu tiêu thụ hàng ngày do giá rẻ, đến nay, tỷ lệ sử dụng hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh đã và đang không ngừng tăng lên. Ðây cũng là động lực để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đầu tư công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm đưa hàng hóa chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top