Khi nhân dân được hưởng lợi từ rừng

09:16 - Thứ Tư, 16/01/2019 Lượt xem: 10963 In bài viết

ĐBP - Theo chân kiểm lâm địa bàn xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ), chúng tôi đến bản Pa Tần (xã Pa Tần) để tìm hiểu về công tác quản lý, bảo vệ rừng tại cộng đồng bản. Trên đường đến bản, anh Chảo San Sinh, kiểm lâm địa bàn xã Pa Tần, cho biết: “Ðã thành thông lệ, hàng tháng, 7 tổ phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) bản Pa Tần, xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ) thường xuyên thay phiên nhau tuần tra, kiểm soát rừng; trong đó mỗi tổ tuần tra 3 lần/tháng nhằm đảm bảo, giữ gìn tốt diện tích rừng do cộng đồng bản quản lý. Ðể duy trì được lịch tuần tra, kiểm soát như vậy có sự đóng góp không nhỏ của chính sách chi trả DVMTR. Bởi vì khi người dân được hưởng lợi thiết thực từ những cánh rừng mà họ bỏ công sức để chăm sóc, giữ gìn, ý thức trong công tác bảo vệ, phát triển rừng cũng được nâng cao; từ đó góp phần bảo vệ môi trường và tài nguyên rừng ngày càng hiệu quả, bền vững”.

 

Tổ PCCCR bản Pa Tần (xã Pa Tần) phát dọn thực bì tại diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ. Ảnh: Phạm Quang

Ðúng với những gì kiểm lâm địa bàn xã chia sẻ, nhờ được hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR, hôm nay mặc dù trời mưa, song 1 tổ PCCCR của bản Pa Tần vẫn tổ chức tuần tra, kiểm soát rừng. Gặp chúng tôi trên con đường vào bản, anh Poòng Văn Chính, bản Pa Tần (xã Pa Tần) - một thành viên của tổ PCCCR khác của bản, phấn khởi nói: “Hôm nay, một số bà con đi lên rừng để kiểm tra rừng rồi cán bộ ạ! Từ khi được Ðảng và Nhà nước quan tâm cho chính sách chi trả DVMTR, dân bản phấn khởi lắm! Tiền chi trả DVMTR là một trong những khoản thu nhập chính để cải thiện cuộc sống cho người dân nên khi đời sống ổn định rồi thì ý thức quản lý, bảo vệ rừng của bà con ngày càng được nâng cao”.

Nghe anh Chính nói xong, anh Sinh cũng tiếp lời: Xã Pa Tần có tổng diện tích tự nhiên gần 16.600ha, trong đó diện tích đất có rừng là 10.358ha…; độ che phủ đạt 64,58%. Diện tích chi trả DVMTR trên địa bàn xã khá lớn, với 9.269,61ha thuộc các bản: Huổi Khương, Pa Tần, Ta Hăm, Huổi Púng... Riêng năm 2017 - 2018, lực lượng kiểm lâm, chính quyền xã đã phối hợp với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng chi trả gần 9.716 triệu đồng; trong đó chi trả năm 2017 là hơn 6.950 triệu đồng và tạm ứng lần 1 năm 2018 là trên 2.763 triệu đồng. Ðược hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR, năm 2018 nhân dân trong xã đã chấp hành tốt về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cũng như công tác PCCCR; không để xảy ra vụ vi phạm nào liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ý thức trách nhiệm của chính quyền cấp thôn, bản và người có uy tín trong công tác quản lý, bảo vệ rừng được nâng lên rõ rệt.

Qua những gì dân bản, kiểm lâm địa bàn chia sẻ, chúng tôi có thể thấy rõ vai trò, tầm quan trọng và hiệu quả của chính sách chi trả DVMTR đối với công tác bảo vệ, phát triển rừng nói riêng, công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói chung. Ðược biết, huyện Nậm Pồ hiện có tổng diện tích tự nhiên gần 150.000ha, trong đó diện tích lâm nghiệp có rừng trên 59.000ha, tỷ lệ che phủ đạt 39,55%. Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đến nay huyện đã giao khoán trên 49.000ha cho các chủ rừng.

Nói về những tác động tích cực của chính sách chi trả DVMTR, anh Trần Ðức Quyền, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ, cho biết: Chính sách chi trả DVMTR là một chủ trương rất thiết thực nhằm bảo vệ rừng đầu nguồn và hệ sinh thái, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, bảo đảm nguồn nước cho thủy điện và các hoạt động kinh doanh du lịch, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người làm nghề rừng. Ðối với một huyện miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn như Nậm Pồ, tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng thực sự là nguồn lực đáng kể góp phần giúp người dân cải thiện sinh kế, tăng thu nhập. Khi người dân đã nhìn nhận rõ lợi ích từ việc gìn giữ, bảo vệ nguồn tài nguyên rừng thì tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, như: phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, vận chuyển, thu mua, kinh doanh lâm sản trái phép sẽ từng bước được hạn chế. Xác định được điều đó, thời gian qua UBND huyện Nậm Pồ chỉ đạo các phòng ban chuyên môn của huyện phối hợp với UBND dân các xã trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, hướng dẫn mới về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; giúp các cộng đồng dân cư, người dân nắm được các bước, quy trình thực hiện chi trả DVMTR và hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa và những lợi ích thiết thực từ chính sách của Ðảng và Nhà nước. Năm qua, Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ đã hoàn tất hồ sơ chi trả DVMTR năm 2017 với tổng diện tích hơn 49.350ha cho 129 chủ rừng thuộc 15 xã trên địa bàn huyện; phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tổ chức chi trả DVMTR năm 2017 cho 127 chủ rừng, với tổng số tiền trên 24.230 triệu đồng.

Chính sách chi trả DVMTR được triển khai trên địa bàn đã giúp hàng trăm hộ dân tại địa phương có nhận thức đầy đủ về bảo vệ tài nguyên rừng; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Ðồng thời, tạo điều kiện cho người dân gắn bó mật thiết với rừng, coi rừng như một nguồn thu nhập đáng kể, góp phần từng bước nâng cao đời sống, bảo đảm an ninh - quốc phòng và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Phạm Quang
Bình luận
Back To Top