Ðảm bảo bình ổn thị trường dịp tết cổ truyền

09:23 - Thứ Tư, 16/01/2019 Lượt xem: 9941 In bài viết

ĐBP -Thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán, do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao nên lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường lớn. Vì vậy, đây là thời điểm hoạt động buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các lực lượng chức năng đang phối hợp triển khai nhiều giải pháp.

 

Cán bộ Ðội QLTT số 1, TP. Ðiện Biên Phủ kiểm tra hàng hóa của hộ kinh doanh tại chợ trung tâm 1. Ảnh: Mai Phương

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát

Cuối tháng 12/2018, tại Bến xe khách tỉnh, qua việc nắm tình hình thị trường trên địa bàn, Ðội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, TP. Ðiện Biên Phủ đã phát hiện 460 túi hương trầm giả mạo nhãn hiệu trị giá gần 10 triệu đồng đang trong quá trình vận chuyển đến một số huyện trên địa bàn tỉnh tiêu thụ. Ðội đã tịch thu số hương trầm giả, tiêu hủy, đồng thời xử phạt hành chính đối với chủ số hương nói trên là bà Lưu Thị Nga, ở tổ dân phố 20, phường Tân Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) số tiền 10 triệu đồng. Ðây chỉ là 1 trong tổng số 18 vụ vi phạm mà Ðội QLTT số 1 đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính trong đợt kiểm tra chuyên đề dịp cuối năm 2018, trước, trong và sau tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Ông Nguyễn Minh Cường, Ðội trưởng Ðội QLTT số 1 cho biết: Thời gian cuối năm và dịp tết, do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh nên đối tượng xấu trà trộn hàng giả với hàng thật hoặc bày bán các mặt hàng hết hạn sử dụng, kém chất lượng, tăng giá, nhất là các mặt hàng rượu bia, bánh kẹo ngoại, thuốc lá ngoại… Nhằm đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng, cuối tháng 12/2018, đơn vị đã lên kế hoạch tăng cường quản lý thị trường dịp trước, trong và sau tết. Trong đợt này dự kiến đơn vị sẽ kiểm tra khoảng 40 cơ sở. Ðến nay, đơn vị đã kiểm tra được khoảng 20 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 18 vụ với số tiền 21 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu như: không niêm yết giá, vi phạm nhãn hàng hóa, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và hàng giả.

Toàn tỉnh hiện có hơn 11.900 thương nhân (công ty, doanh nghiệp, chi nhánh, hợp tác xã, hộ kinh doanh), trong đó, chủ yếu là hộ kinh doanh với trên 8.800 hộ và hộ kinh doanh nhỏ lẻ với hơn 2.100 hộ. Theo kế hoạch kiểm tra chuyên đề dịp cuối năm 2018, trước, trong và sau tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 của Cục QLTT Ðiện Biên, từ ngày 24/12/2018 đến hết ngày 22/2/2019, các đội QLTT trên địa bàn tỉnh sẽ thực hiện gần 170 cuộc kiểm tra. Ðối tượng kiểm tra là các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh vải, nguyên phụ liệu may mặc, giày dép, quần áo may sẵn; đồ dùng gia đình, đồ điện, điện tử, điện máy; xăng dầu. Ðồng thời, tăng cường công tác quản lý địa bàn, tập trung vào các nhóm mặt hàng như: pháo nổ, đồ chơi trẻ em mang tính kích động; lương thực, thực phẩm… 

Nỗ lực bình ổn giá

Cùng với việc tăng cường phối hợp với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh kiểm soát thị trường, Sở Công Thương đã ban hành một loạt văn bản chỉ đạo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường như: Văn bản số 1233 ngày 21/9/2018 về tổ chức khai thác, dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng quý VI/2018 và tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019; Công văn số 1546 ngày 14/11/2018 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2018 và dịp tết Nguyên đán 2019; Công văn 1733 ngày 21/12/2018 về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa và các điều kiện để tổ chức phục vụ các sự kiện trong năm 2019…

Qua khảo sát, thời điểm này các doanh nghiệp kinh doanh thương mại và hộ tiểu thương đã tích cực chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau tết đảm bảo về chất lượng, với chủng loại, mẫu mã phong phú. Theo số liệu tổng hợp hàng hóa chuẩn bị phục vụ trong dịp tết Nguyên đán 2019 của Sở Công Thương: Mặt hàng xăng, dầu các loại dự ước khoảng 4.100m3 với tổng trị giá khoảng 85 tỷ đồng; các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước mắm, dầu ăn, thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, các mặt hàng nông, lâm sản, thực phẩm tươi sống… đã được các doanh nghiệp phân phối, các đại lý lớn, các thương nhân tập kết khoảng trên 90%. Các siêu thị, hộ kinh doanh tại các chợ, các cửa hàng đường phố đã bắt đầu sắp xếp, trưng bày các mặt hàng tết, phục vụ nhu cầu của người dân. Năm nay lượng hàng hóa dự trữ tại các chợ truyền thống và các siêu thị tăng khoảng 10 - 15% so với năm trước.

Theo dự báo, sức mua hàng trong dịp tết năm nay sẽ tăng khoảng 10% so với năm trước, một số mặt hàng như: Lương thực, thịt gia súc, gia cầm, rượu, bia, nước giải khát, quần áo, bánh, mứt, kẹo, hoa quả có thể sẽ tăng vào dịp giáp tết. Còn hiện nay, giá nhiều loại hàng hóa và dịch vụ trên thị trường vẫn ổn định, như: Gạo Bắc thơm số 7 giá từ 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo nếp nương 27.000 đồng/kg; thịt ba chỉ 75.000 - 85.000 đồng/kg; thịt mông sấn 100.000 đồng/kg; thịt trâu, bò loại I giá 250.000 đồng/kg; gà tùy loại dao động từ 100.000 - 150.000 đồng/kg; cải xanh, cải ngồng, bí xanh, cà chua từ 13.000 - 15.000 đồng/kg; khoai tây từ 18.000 - 20.000 đồng/kg - Hàng điện tử, điện lạnh mặc dù nhu cầu mua sắm của người dân có tăng, song giá không có sự biến động so với những tháng trước.

Với hệ thống bán lẻ ngày càng phong phú, đa dạng từ thành thị đến nông thôn, cùng với sự nỗ lực kiểm soát thị trường của lực lượng chức năng, tin tưởng rằng người dân trên địa bàn tỉnh sẽ đón tết cổ truyền an toàn, tiết kiệm.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top