Hỗ trợ cấp trâu giống cho hộ nghèo, cận nghèo ở Quảng Lâm

Có “đem con bỏ chợ”?

09:58 - Thứ Năm, 17/01/2019 Lượt xem: 10925 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2018, xã Quảng Lâm (huyện Mường Nhé) được phê duyệt hỗ trợ 19 con trâu cái sinh sản cho 38 hộ (theo nhóm hộ) với tổng số tiền hỗ trợ 410 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi trâu giống được cấp phát, việc kiểm dịch, bảo hành cho con giống… bị UBND xã, đơn vị cung ứng thờ ơ. Thậm chí một số hộ đã bán trâu giống mà xã không hề hay biết? Việc này, đã gây thất thoát kinh phí, hiệu quả chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng xóa đói giảm nghèo ở xã vùng cao, nơi vẫn còn rất nhiều gian khó.

 

Trong 8 hộ được hỗ trợ trâu sinh sản ở bản Trạm Púng đến nay chỉ 2 hộ còn trâu, trong đó có hộ anh Vàng A Giàng và Cứ A Sinh. Trong ảnh: Chị Thào Thị Sua (vợ anh Vàng A Giàng) chăm sóc con trâu giống được hỗ trợ.

Trung tuần tháng 11/2018, cùng với ông Thào A Mình, Trưởng bản Trạm Púng,  chúng tôi đến gia đình 2 anh em Liều A Sình (A), Liều A Sang, thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ 1 con trâu cái giống (2 hộ/con) thuộc Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình Nông thôn mới xã Quảng Lâm, năm 2018. Ngôi nhà của anh Liều A Sang, xiêu vẹo, quây tạm bằng tre nứa, rộng chưa đầy 10m2. Thứ đáng giá nhất trong nhà chỉ là những cái nồi cũ kỹ, do vậy việc được hỗ trợ trâu giống sẽ giúp anh Sang có thêm “sinh kế” phát triển sản xuất. Anh Liều A Sang giãi bày: Ngày 9/10/2018, sau khi được xã bình xét là hộ nghèo, gia đình tôi và anh trai là Liều A Sình (A) được nhận hỗ trợ 1 con trâu cái giống để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Khi tiếp nhận thì trâu khỏe mạnh bình thường, nhưng sau gần 2 tháng, do không chăm sóc được nên trâu ốm yếu; lại cần tiền làm nhà nên 2 anh em đã thống nhất bán trâu với giá 8 triệu đồng (thấp hơn nhiều so với giá thành được Nhà nước hỗ trợ là gần 24 triệu đồng, mỗi hộ 11,923.077 triệu đồng). Sau khi bán trâu, cả anh Sình (A) và Sang không thông báo với chính quyền địa phương. Là đơn vị quản lý, nhưng UBND xã Quảng Lâm cũng không cử cán bộ xuống kiểm tra, giám sát việc duy trì con giống nên cũng không hề biết. Cũng theo điều tra của phóng viên, đây không phải trường hợp duy nhất. Ngay tại bản Trạm Púng cũng có hộ anh Mùa A Mảng và Vàng A Cở đã bán trâu sau thời gian được hỗ trợ không lâu.

Tại Quyết định số 52/QÐ - UBND của UBND xã Quảng Lâm về “Ban hành quy chế hoạt động của nhóm hộ thuộc diện được hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình nông thôn mới xã Quảng Lâm” năm 2018 ghi rõ: “Các hộ nhận trâu phải làm chuồng trại, đảm bảo tránh mưa, gió và chống rét trong vụ đông; phải cử người chăn dắt trâu hàng ngày, không được thả rông…”. Tuy nhiên, giữa tháng 11/2018, thời tiết vùng cao giá rét, nhiệt độ ban đêm xuống thấp, khi chúng tôi đến gia đình anh Liều A Siều (gia đình được hỗ trợ cùng với anh Liều A Sình (B)) thì không thấy trâu và cũng chẳng thấy chuồng. Chị Hạng Thị Dua (vợ anh Siều) cho biết: Nhà nghèo, đất đai chẳng có nhiều. Nhận con trâu về, mình mừng lắm! nhưng do điều kiện khó khăn nên gia đình không làm chuồng trại nhốt mà thả rông cùng với đàn trâu địa phương vào rừng tự kiếm ăn. Dẫn chúng tôi lên bãi chăn thả cách nhà gần 6km, khi trời đã sẩm tối, mặc dù đã chờ gần 1 tiếng, nhưng do trâu đi kiếm ăn tận sâu trong rừng nên chị Dua không thể tìm được. Khi được hỏi về tình trạng sức khỏe của trâu giống, chị Dua tiếp lời: Do tập quán thả rông, nên hiện tại trâu gầy yếu và bỏ ăn, chị không biết phải làm như thế nào? Mà từ khi nhận trâu về nuôi đến nay, chị Dua chưa thấy bất kỳ cán bộ hay thú y xã đến hỏi thăm và kiểm tra việc chăm sóc cũng như tiêm phòng dịch cho trâu giống.

 

Phóng viên làm việc với ông Giàng A Xìa, Chủ tịch UBND xã Quảng Lâm.

Sau nhiều lần liên hệ và ngồi chờ gần 3 tiếng đồng hồ chúng tôi mới gặp được ông Giàng A Xìa, Chủ tịch UBND xã Quảng Lâm. Ông Giàng A Xìa cho biết: Thực hiện Dự án Hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình nông thôn mới xã Quảng Lâm năm 2018 do xã làm chủ đầu tư; xã Quảng Lâm đã cấp phát 19 con trâu cái sinh sản cho 38 hộ nghèo, cận nghèo (2 hộ/con) tại 6 bản: Trạm Púng, Cha Nọi, Sái Lương… Là giống trâu lai Sind trên 1 năm tuổi, trọng lượng từ 130kg trở lên; trâu khỏe mạnh, dáng nhanh nhẹn, da mỏng, lông thưa… Ðể đảm bảo tính minh bạch cũng như quy định, xã đã cho các hộ được hỗ trợ ký cam kết với các điều kiện: không thả rông, đủ thức ăn cho con giống; cam đoan “không bán, giết thịt hoặc trao đổi”…

Tuy nhiên, khi chúng tôi thông tin một số hộ dân đã bán trâu với mức giá rất rẻ, ông Xìa mới giật mình vì không hề hay biết. Ông Xìa vội xem sổ và ghi chép tường tận tên từng hộ đã bán trâu do phóng viên cung cấp. Và thẳng thắn thừa nhận là do xã đã tắc trách, không chỉ đạo kịp thời. Ðặc biệt việc cử cán bộ giám sát dân chăm sóc, nuôi dưỡng trâu giống không được thực hiện theo đúng quy định. Về quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh tại các hộ gia đình, ông Xìa cho rằng: Xã đã thực hiện đúng quy định. Trước khi cấp phát trâu giống cho các hộ, xã đã tiến hành tiêm phòng đầy đủ; chỉ đạo các trưởng bản giám sát dịch kịp thời, báo cáo xã; 6 tháng tiêm phòng định kỳ một lần. Tuy nhiên, một số hộ ý thức chưa cao, chăn thả rông trâu giống. Khi phát hiện trâu có biểu hiện ốm, dịch bệnh nhưng không báo cáo lên nên xã không nắm được để cử cán bộ thú y hoặc phối hợp với đơn vị cung ứng để phòng, tránh lây lan ra diện rộng.

Khi được hỏi về hướng khắc phục, ông Giàng A Xìa bỏ ngỏ, vì hiện tại xã vẫn chưa có hướng xử lý đối với các hộ đã bán trâu; nhất là những hộ được cấp phát trâu giống toàn là hộ nghèo, cận nghèo nên mình cũng chẳng bụng dạ nào đi “đòi nợ” người nghèo cả. Trước mắt xã sẽ báo cáo trực tiếp lãnh đạo huyện hướng chỉ đạo, khắc phục. Ðồng thời, cử cán bộ xã xuống bám, nắm địa bàn rà soát lại toàn bộ trâu đã được cấp phát; phối hợp với đơn vị cung ứng tiến hành kiểm tra, giám sát dịch bệnh, tránh lây lan ra đàn vật nuôi của địa phương.

Dự án Hỗ trợ trâu giống cho hộ nghèo, cận nghèo để phát triển chăn nuôi gắn với kinh tế hộ gia đình có ý nghĩa thiết thực. Tuy nhiên, kết quả không được như kỳ vọng. Trâu giống được hỗ trợ cho một số hộ nghèo ở xã Quảng Lâm chưa giúp được người dân phát triển chăn nuôi, ổn định cuộc sống mà còn gây lãng phí tiền của Nhà nước. Cách làm kém hiệu quả ở Quảng Lâm cho thấy hiệu quả của việc cấp ủy, chính quyền địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền, chưa thực sự sát sao, trách nhiệm trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ của Nhà nước tại cơ sở. Không thể để một chính sách vì người nghèo lại bị vận hành quản lý bởi cung cách lỏng lẻo, “đem con bỏ chợ” như ở Quảng Lâm. 

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top