Vay vốn ngân hàng: Doanh nghiệp phải có đủ điều kiện đảm bảo

09:19 - Thứ Sáu, 18/01/2019 Lượt xem: 8606 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, toàn tỉnh có 1.180 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực khai khoáng, xây dựng, thương mại - dịch vụ; ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Những năm qua tỉnh ta đã có nhiều cơ chế khuyến khích, thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước. UBND tỉnh luôn áp dụng mức cao nhất theo quy định của pháp luật đối với các dự án được ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên do nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương còn hạn hẹp nên việc thực hiện hỗ trợ cho các nhà đầu tư chưa kịp thời. Nguồn vốn chính sách không được hỗ trợ, các nhà đầu tư xoay sang tiếp cận các nguồn vốn tín dụng tại các ngân hàng thương mại. Song không phải tất cả doanh nghiệp đều có thể vay được vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng nguồn vốn ngân hàng khó tiếp cận.

 

Ðể tiếp cận vốn ngân hàng, các doanh nghiệp cần phải đáp ứng yêu cầu: Hiệu quả nguồn vốn vay, tài sản đảm bảo và nguồn trả nợ. Trong ảnh: Công nhân Công ty Cổ phần XNK Ðiện Biên chăm sóc cây ăn quả.

Xét riêng về lĩnh vực nông nghiệp, từ năm 2015 đến nay, tổng số doanh nghiệp lập dự án đề xuất đầu tư là 20 doanh nghiệp với 20 dự án. Ðến nay, có 5 dự án chậm tiến độ (chiếm 25%). Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp thiếu vốn để triển khai dự án. Ðơn cử như ngày 19/8/2016, UBND tỉnh ra Quyết định số 1067/QÐ-UBND về việc phê duyệt Dự án Nhà máy chế biến lương thực, thực phẩm Ðiện Biên tại bản Púng Tôm, xã Thanh Minh (TP. Ðiện Biên Phủ) của Công ty TNHH Nông sản thực phẩm sinh thái Ðiện Biên. Dự án có tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng, công suất 360 tấn/năm thời gian đầu và phấn đấu 600 - 800 tấn vào năm 2020. Tuy nhiên đến nay, dự án này vẫn chưa thể triển khai. Bà Nguyễn Thị Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản thực phẩm sinh thái Ðiện Biên cho biết: Dự án chậm tiến độ do doanh nghiệp không huy động được vốn đầu tư; mặc dù đã rất cố gắng tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại nhưng không được phê duyệt, giải ngân vốn.

Vậy rào cản giữa ngân hàng và doanh nghiệp nhỏ đến từ đâu? Do ngân hàng chưa đủ gần gũi với doanh nghiệp hay doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng?

Năm 2018, Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh tỉnh Ðiện Biên đã triển khai 4 gói tín dụng ưu đãi cho khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cụ thể: Gói tín dụng 5.000 tỷ đồng tri ân khách hàng VIP và phát triển quan hệ với khách hàng mới có tiềm năng phát triển; gói tín dụng ngắn hạn 40.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; cơ chế tài trợ nhà phân phối trong lĩnh vực tiềm năng và gói tín dụng trung, dài hạn 15.000 tỷ đồng. Mức ưu đãi lãi suất từ 1,2 - 1,5%/năm. Ðến nay, tổng dư nợ các gói tín dụng này trên toàn chi nhánh đạt 35,2 tỷ đồng. Ðại diện ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh tỉnh Ðiện Biên cho biết: Vốn vay từ ngân hàng là nguồn vốn chính thống, vì thế cũng phải có những điều kiện chính thống đi kèm. Có những điều kiện mang tính chất chuẩn mực của hệ thống ngân hàng được đưa ra dựa trên cơ sở của Luật các Tổ chức tín dụng. Quan hệ tín dụng ngân hàng phải đảm bảo 3 nguyên tắc: Hiệu quả nguồn vốn vay, tài sản đảm bảo và nguồn trả nợ. Tuy nhiên, những doanh nghiệp nhỏ khi mới bắt đầu tham gia kinh doanh thì hệ thống kế toán, tài chính và minh bạch thông tin chưa được chuẩn, khả năng tiếp cận vốn ngân hàng sẽ khó hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ thường không tích lũy được tài sản nhiều, do đó họ cũng không có tài sản để thế chấp cho các khoản vay. Chung quy lại, doanh nghiệp chỉ cần đảm bảo đủ các điều kiện cần thiết thì phía ngân hàng luôn có các gói ưu đãi và sẵn sàng giải ngân vốn phục vụ doanh nghiệp.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Văn Từ, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ðiện Biên cho biết: Hiện nay, ngành Ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, do đó, khách hàng có nhu cầu vay vốn phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu về hồ sơ pháp lý thì các ngân hàng mới giải quyết cho vay. Nếu không đáp ứng đúng yêu cầu thì ngân hàng không thể giải ngân vốn. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại bị khống chế hạn mức tín dụng nên nếu đã cho vay đủ hạn mức thì không thể cho vay thêm dù khách hàng có nhu cầu.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top