Nông thôn mới ở nơi mới

10:29 - Thứ Tư, 23/01/2019 Lượt xem: 10235 In bài viết

ĐBP - Mới chia tách, thành lập, xuất phát điểm lại không thuận lợi so với các xã ở cùng khu vực lòng chảo huyện Ðiện Biên, tuy nhiên, chỉ sau 5 năm chia tách (tháng 7/2013), đến nay Pom Lót đã cơ bản cán đích nông thôn mới. Ðể có được thành công này, con đường đến đích nông thôn mới của Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Pom Lót đã gần hơn, nhanh hơn nhờ khơi dậy vai trò làm chủ của người dân, phát huy tốt tinh thần dân chủ ở cơ sở. Cách làm nông thôn mới ở Pom Lót đang được nhiều địa phương khác trong tỉnh học hỏi, nhân rộng.

 

Học sinh Trường Mầm non Pom Lót tham gia hoạt động tập thể ngoài trời.

In đậm dấu ấn

Có lẽ với người dân Pom Lót, nay là mùa xuân vui nhất kể từ khi xã thành lập đến nay. Tết này cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân chung vui với thành quả thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Chương trình đã tạo diện mạo hoàn toàn khác cho nông thôn nơi đây. Ấn tượng của chúng tôi khi đến Pom Lót là những con đường bê tông chạy dài dẫn vào các thôn, đội thấp thoáng nhà cao tầng khang trang, bề thế, những ngôi nhà xen giữa những vườn hoa hồng, thược dược, cúc, lay ơn rực rỡ. Khắp nơi là không gian xanh mát với đường làng, ngõ xóm sạch sẽ. Pom Lót đang vào xuân.

Cuối năm khá bận vì giải quyết nhiều công việc, lại tiếp công dân liên tục nên mãi đến gần trưa anh Nguyễn Quang Bắc, Chủ tịch UBND xã Pom Lót mới dành được ít phút tiếp chuyện tôi. Nghe tôi kể vừa đi một vòng qua các bản phía bên trong về thấy đời sống bà con thật khấm khá, anh Bắc trải lòng: Nhà báo không biết chứ, những ngày đầu ra “ở riêng” cũng nhiều gian nan lắm. Thuận lợi là xã được ở lại trụ sở cũ chia tách từ xã Sam Mứn nên cơ sở vật chất không phải lo, nhưng cái khó là đội ngũ cán bộ thiếu ở các bộ phận. Ðể giải bài toán về công tác cán bộ, xã ưu tiên hàng đầu là việc bố trí sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức. Những bộ phận nào còn thiếu, tạm thời thực hiện phương án bố trí cán bộ kiêm nhiệm thêm. Việc trước làm một thì nay có thể làm gấp đôi, gấp ba. Nhờ đó bộ máy trụ sở HÐND, UBND xã đã khẩn trương đi vào hoạt động nền nếp, đội ngũ cán bộ yên tâm về tư tưởng, kịp thời ổn định các mặt công tác, hoàn thành nhiệm vụ.

Song song với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xã Pom Lót tập trung là vận động nhân dân nỗ lực khắc phục khó khăn quyết tâm xây dựng NTM. Dấu ấn đậm nét trong xây dựng NTM ở Pom Lót là huy động được sự góp sức của người dân. Chủ tịch Nguyễn Quang Bắc bộc bạch: Khi triển khai chương trình xã xác định, đây là chương trình lớn mang tính toàn diện nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Vì vậy, muốn xây dựng NTM thành công cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Phải tuyên truyền sâu, rộng để nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình. Vì chỉ khi người dân đã xác định vai trò chủ thể của mình, xây dựng NTM là cho dân, dân là người hưởng lợi trực tiếp thì mới đảm bảo thành công và đạt hiệu quả cao.

 

Vài năm gần đây, nông dân Pom Lót tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng; phát triển kinh tế từ trồng rau, củ quả.

Khơi dậy sức dân

Thụ hưởng thành quả xây dựng NTM, Pom Lót chuyển mình không chỉ là những ngôi nhà tầng bề thế khang trang giữa làng quê mà còn ở hệ thống hạ tầng được đầu tư bài bản. Người dân có đường bê tông đi, kênh mương nội đồng thuận lợi, điện, đường, trường, trạm khang trang. Với quan điểm, xây dựng NTM để đời sống vật chất, tinh thần của người dân dần nâng lên. Không xây dựng bằng mọi cách mà phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của nhân dân. Người dân tham gia từ khâu xây dựng kế hoạch đến trực tiếp thực hiện, giám sát việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Việc vận động nhân dân chung sức xây dựng NTM được cấp ủy chính quyền xã Pom Lót thực hiện với phương châm “lời nói đi đôi với việc làm”. Ban chỉ đạo, ban quản lý từ xã đến thôn, bản phải thực sự bám cơ sở, xây dựng nội quy, quy chế thực hiện. Mỗi phần việc, mỗi nội dung đều có kế hoạch rõ ràng, phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng tổ chức, cá nhân. Vận động nhân dân hiến đất, đổi đất, góp ngày công lao động, huy động mức đóng góp phải trên cơ sở sự đồng thuận của người dân. Quá trình thực hiện các tiêu chí, đặc biệt là những tiêu chí liên quan đến đất đai triển khai trên tinh thần: Nhà nước hỗ trợ vật liệu, hộ dân bỏ ngày công, còn giải phóng mặt bằng giao cho thôn, bản; dễ làm trước, khó làm sau, vừa làm vừa điều chỉnh đảm bảo cho phù hợp.

Với cách làm đó, có thôn, đội dù ban đầu khó bố trí quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa nhưng đã nhanh chóng hoàn thành tiêu chí này. Xã khuyến khích, vận động nhân dân chủ động trong khả năng tối đa nguồn lực gia đình, bản thân tự có để đóng góp sức lực, ngày công, kinh phí trong quá trình thực hiện. Như câu chuyện làm nhà văn hóa ở thôn 7A. Ðể có được nhà sinh hoạt cộng đồng khang trang thoáng mát, thôn 7A đã giải rất linh hoạt “bài toán” về mặt bằng. Theo trưởng thôn Nguyễn Bảo Duân, do thôn không còn quỹ đất nên sau khi họp bàn, thôn thống nhất mua lại đất của một gia đình với giá 235 triệu đồng. Kinh phí hoàn toàn từ tiền đóng góp của 57 hộ dân trong thôn. Chỉ sau 3 tháng thi công, nhà văn hóa thôn 7A đã khánh thành đưa vào sử dụng trên tổng diện tích 400m2. Trong đó, nhà văn hóa rộng 102m2 theo kiểu nhà cấp 4; sân tập thể thao rộng 180m2. Ngoài 200 triệu đồng Nhà nước hỗ trợ xây dựng, còn lại là do nhân dân trong thôn đóng góp và một số doanh nghiệp ủng hộ.

Cũng với cách làm linh hoạt mà bản Pá Nậm - một bản đời sống người dân còn khá khó khăn, thu nhập chưa cao, song đã huy động sự đóng góp, ủng hộ kinh phí rất lớn của các hộ dân trong quá trình thực hiện tiêu chí đường giao thông nông thôn và nhà văn hóa. Bản Pá Nậm chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, nếu xây dựng nhà văn hóa theo mô hình nhà sàn truyền thống như mong muốn của bà con thì chi phí sẽ rất cao. Vì vậy, chính quyền xã đã tổ chức đưa trưởng bản, cán bộ đoàn thể bản lên xã Noong Hẹt tham quan trực tiếp công trình nhà văn hóa đã xây dựng ở đây thấy phù hợp thì sẽ áp dụng. Sau đó, bản đã tổ chức họp, xem xét điều kiện, thu nhập thực tế của các hộ dân và đồng thuận xây dựng theo mô hình nhà cấp 4 với tổng kinh phí 300 triệu đồng; trong đó dân bản đóng góp 100 triệu đồng. Ðến tháng 4/2017, nhà văn hóa bản Pá Nậm đã khánh thành trong niềm vui phấn khởi của 58 hộ dân.

Tập trung hoàn thành tiêu chí “đuối”

Xây dựng NTM khó một thì giữ thành quả NTM vững bền sẽ khó mười. Xác định rõ điều đó, nên sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, ngoài tiếp tục duy trì, phát triển các tiêu chí đạt cứng, cấp ủy, chính quyền xã Pom Lót quyết tâm dốc sức để hoàn thành một số tiêu chí mới cơ bản đạt.

Hiện nay, xã chưa có nhà văn hóa đa năng. Khó là ở kinh phí, dù quỹ đất đã có. Mặc dù năm 2018 xã đã có nguồn, tuy nhiên sau khi cân đối vốn, xã tập trung ưu tiên bố trí để triển khai mô hình nuôi bò, trồng cây theo chuỗi cho một số hộ nghèo ở bản Na Ten và Na Có, giúp người dân ổn định cuộc sống. Ðể đảm bảo đạt cứng tiêu chí số 6 (thiết chế văn hóa), xã sẽ đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất trên địa bàn tạo nguồn kinh phí hoàn thiện tiêu chí, tạo không gian sinh hoạt văn hóa, thể thao, sân chơi cho người cao tuổi và trẻ em. Riêng với chỉ tiêu nhà văn hóa thôn, bản (hiện toàn xã còn 11 thôn, bản chưa có nhà văn hóa), Chủ tịch xã Nguyễn Quang Bắc khẳng định: Chỉ tiêu này chắc chắn xã sẽ hoàn thành trong năm 2019. Vì theo lộ trình tới đây, Pom Lót sẽ thực hiện sáp nhập tại 11/20 thôn, bản xuống còn 5 thôn, bản. Xã đã hoàn thiện đề án, theo kế hoạch sẽ thực hiện trong năm nay. Ðối với tiêu chí 17, đến nay 11 thôn, đội ở khu vực trung tâm xã đã có công trình nước sạch; còn 9 thôn, bản vùng ngoài vẫn còn dùng nước giếng, nước khe. Từ nguồn vốn trung hạn, tới đây sẽ nghiệm thu công trình nước sạch tại 2 bản: Na Hai 1 và Na Hai 2. Riêng với bản Na Thìn, do điều kiện đặc thù địa hình, xã đang phối hợp với đơn vị chức năng nghiên cứu, khảo sát tìm điểm có khe nước hợp lý để đầu tư.

Năm nay Pom Lót có nhiều cái “thắng”. Tổng kết vụ mùa vừa rồi năng suất lúa toàn xã đạt trung bình gần 66 tạ/ha. Ðây là thành tích lớn nhất trong vài năm trở lại đây. Từ những kết quả trong xây dựng NTM, Pom Lót sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương, huy động tối đa nguồn lực, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Bài học kinh nghiệm quan trọng nhất trong xây dựng NTM ở Pom Lót là phát huy được quyền làm chủ của nhân dân. Thực hiện đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”, người dân Pom Lót đã thực sự là chủ thể trong xây dựng NTM. Cách làm linh hoạt và kết quả đạt được trong xây dựng NTM ở Pom Lót sẽ là nguồn cổ vũ và là động lực lớn để chính quyền và nhân dân nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh học hỏi, nhân rộng.

Bình Nguyên
Bình luận
Back To Top