Phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới

09:31 - Thứ Sáu, 25/01/2019 Lượt xem: 9615 In bài viết

ĐBP - Thành lập và hoạt động vào tháng 6/2017, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp công nghệ cao Bản Mé (HTX Bản Mé) là 1 trong những HTX điển hình trong việc cơ giới hóa sản xuất và áp dụng tiến bộ khoa học để sản xuất sản phẩm lúa gạo chất lượng cao. Ðồng thời nâng cao ý thức người dân trong quá trình sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm an toàn, qua đó thể hiện vai trò rõ nét trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

 

Nông dân HTX công nghệ cao Bản Mé chăm sóc mạ được sản xuất từ máy làm mạ.

Với vốn điều lệ trên 13 tỷ đồng, 68 xã viên tham gia, HTX Bản Mé liên kết xã viên để chuyển từ sản xuất nhỏ thành sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. HTX vận động, tổ chức cho các xã viên chuyển ghép ruộng đất, thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng. Khắc phục được hạn chế về ruộng đất manh mún chia cắt, hình thành những cánh đồng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, cơ giới hóa nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, gia tăng giá trị sản phẩm thu hoạch và thu nhập cho nông dân. Hiện nay, tổng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao của HTX là 22ha, trong đó dồn điền đổi thửa được 13ha. Năm 2018, HTX được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ 150 triệu đồng mua máy làm mạ và máy cấy. Vụ đông xuân 2018-2019 HTX có 9ha sản xuất theo công nghệ cao: Cơ giới hóa toàn bộ từ khâu làm đất, làm mạ đến gieo cấy với các giống lúa thuần chất lượng, giá trị kinh tế cao; quá trình sản xuất sử dụng toàn bộ phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật bằng chế phẩm sinh học không gây ô nhiễm môi trường. Sau khi thu hoạch, lúa gạo của HTX được Công ty TNHH Giống Nông nghiệp Trường Hương Ðiện Biên bao tiêu sản phẩm, không phải thông qua trung gian là tư thương. Nhờ vậy, người sản xuất tránh được tình trạng bị ép giá, lợi nhuận và hiệu quả sản xuất tăng lên. Tuy diện tích sản xuất chưa lớn, song với việc bao tiêu toàn bộ sản phẩm của nông dân, HTX đã bước đầu hình thành nên mô hình chuỗi liên kết: Doanh nghiệp sản xuất giống - người trồng lúa - doanh nghiệp chế biến gạo. Ngoài lúa chất lượng cao, HTX phân phối sản phẩm rau trồng theo phương pháp an toàn của người dân trong xã đến với thị trường ngoài tỉnh. Quy trình sản xuất rau luôn được thường xuyên theo dõi và có cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn. Nhờ đó, bản thân người trồng rau trên địa bàn đã thay đổi nhận thức về sản phẩm sạch, biểu hiện ở việc hạn chế thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Thay vào đó, bà con sử dụng các chế phẩm sinh học như: ngâm gừng, sả, tỏi sau đó phun cho cây trồng vừa hạn chế được sâu bệnh, lại an toàn cho người sản xuất và tiêu dùng.

Anh Hoàng Giang, Phó Giám đốc HTX Bản Mé cho biết: HTX sản xuất theo hướng tập trung, thống nhất theo một quy trình kỹ thuật, áp dụng khoa học tiên tiến, đủ điều kiện tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa. Khi cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản lượng lúa tăng 10%, giảm 40-50% chi phí thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng gạo đảm bảo. Qua đó tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho xã viên, đảm bảo chất lượng hàng hóa an toàn, từng bước xây dựng thương hiệu uy tín trên thị trường. Ngoài ra, HTX còn tích cực tham gia những chương trình, dự án phát triển cộng đồng, như: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, dạy nghề… góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top