Ðến Chùa Sấu học cách giữ rừng

09:56 - Thứ Sáu, 25/01/2019 Lượt xem: 9548 In bài viết

ĐBP - Cách trung tâm xã Xuân Lao (huyện Mường Ảng) 10km, bản Chùa Sấu nằm yên bình dưới những tán rừng xanh ngút ngàn. Sống gần rừng, người dân Chùa Sấu coi rừng như sinh mệnh, linh hồn của bản, cùng nhau gìn giữ và bảo vệ...

 

Người dân Chùa Sấu phát dọn thực bì.

Hẹn trước nên khi tới Chùa Sấu chúng tôi được gặp và nói chuyện với Bí thư Chi bộ và Trưởng bản Chùa Sấu. Ðón khách bằng ấm trà nóng, Trưởng bản Chùa Sấu Sùng Phá Di vừa rót trà vừa tâm sự: Xưa kia những cánh rừng Chùa Sấu vốn đã xanh ngút ngàn, mát mắt, trải dài từ quả đồi này sang quả đồi khác, có những cây gỗ thân to 2 người ôm không hết... Thế nhưng, bắt đầu từ năm 1980, không biết lâm tặc từ đâu tràn vào, lôi kéo một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trong bản phá rừng. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều cây gỗ to bị đốn hạ; đồi núi dần trụi. Ðể rồi người dân ở Chùa Sấu phải gánh chịu sự phẫn nộ của “thần rừng” với những đợt lũ ống trôi nhà cửa, gia súc và hoa màu.

Xác định không thể sống thiếu rừng, nhân dân trong bản cùng với chính quyền xã, huyện và các lực lượng chức năng thành lập tổ bảo vệ rừng gồm 20 thành viên. Cả bản xây dựng và thực hiện nghiêm quy ước chung, ai muốn vào rừng tận thu củi, lấy gỗ sửa nhà đều phải được sự cho phép của bản, phải báo cáo rõ ràng với trưởng bản. Cả bản đồng ý cho chặt mới được chặt. Nếu vi phạm sẽ bị phạt theo hương ước của bản đã đề ra: Vào rừng lấy măng không được sự đồng ý của bản phạt 5.000 đồng/cây; chặt gỗ phạt 50.000 đồng/m chiều dài thân gỗ (tính từ gốc đến ngọn); 5.000 đồng/cm đường kính thân gỗ; người dân trong bản bán gỗ ra ngoài bản cũng bị phạt... Tiền nộp phạt đều được sung vào quỹ chung của bản. Ngoài tổ bảo vệ rừng thường xuyên thay nhau từ 2 - 3 người vào rừng tuần tra thì mỗi người dân đều phải có trách nhiệm trông coi bảo vệ rừng; phát hiện và kịp thời báo trưởng bản các trường hợp vào rừng khai thác lâm sản hoặc chặt cây. Hàng năm, bản đều tổ chức phát dọn thực bì 1 lần vào mùa khô hanh; mỗi hộ gia đình trong bản phải cử ít nhất 1 người tham gia, nếu hộ nào không đi phạt 100.000 đồng/hộ…

Ðể thực hiện nghiêm việc giữ rừng, hàng năm bản đều tổng kết công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, mời lãnh đạo huyện, xã, kiểm lâm phụ trách địa bàn và trưởng bản, bí thư của các bản giáp ranh với Chùa Sấu dự họp. Từ tinh thần các cuộc họp, lãnh đạo các bản giáp ranh về tuyên truyền, vận động bà con trong bản không sang phá rừng hoặc khai thác lâm sản trên địa phận rừng bản Chùa Sấu; nếu vi phạm sẽ bị phạt theo hương ước của bản và các quy định của Nhà nước.

Nói về khó khăn trong việc giữ rừng, Trưởng bản Sùng Phá Di cho biết: Là người con của núi rừng Chùa Sấu, với thâm niên hơn 20 năm làm trưởng bản, tôi thấy khó khăn nhất là những ngày đầu phải đến từng nhà vận động, đối thoại với từng hộ dân để họ hiểu lợi ích của giữ rừng và tác hại nếu để mất rừng. Ðến nay, ý thức giữ rừng của người dân tốt hơn nhiều rồi; nhưng vẫn có một số đối tượng trong bản lợi dụng việc tận thu củi để cố tình phá rừng. “Khoảng năm 2009, khi phát hiện có một cây to trong rừng bị đẽo vỏ và chặt 1/3 gốc cây (hình thức một số kẻ xấu vẫn hay làm để cây chết từ từ sau đó lợi dụng việc tận thu củi để lấy gỗ), tôi đã bàn với anh em trong đội bảo vệ rừng của bản cứ đợi khi cây chết, đối tượng khắc xin vào rừng tận thu củi và tìm đến chỗ cây đã phá để tận thu, lúc đó sẽ bắt và xử theo hương ước của bản. Ðúng như dự đoán, đối tượng xin vào rừng tận thu củi và chặt cây đã đẽo vỏ từ trước và bị đội bảo vệ rừng xử phạt theo đúng luật của bản” - Ông Di nói. Nhờ thực hiện nghiêm việc bảo vệ rừng mà hiện nay 23,9ha rừng phòng hộ của Chùa Sấu đã xanh trở lại, cây trong rừng có đường kính trung bình từ 40 - 60cm. Nhiều năm trở lại đây, bản không để xảy ra vụ cháy rừng hay phá rừng nào.

Bản Chùa Sấu có 21 hộ với 144 khẩu, 100% dân tộc Mông sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm 90,5%. Theo thống kê, cả bản hiện có 3,6ha lúa nước, 20ha lúa nương, 18ha nương ngô, 4,9ha sắn… Diện tích đất sản xuất ít nhưng người dân Chùa Sấu không phá rừng làm nương mà tận dụng những đồi cỏ tranh, khu vực bìa rừng làm bãi chăn thả phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa. Ông Sùng Giống Dạ, Bí thư Chi bộ bản Chùa Sấu cho biết: Diện tích đất canh tác của bản ít, chủ yếu là đất dốc nên năng suất thấp; ngô, lúa nương chỉ đạt khoảng 12 tạ/ha. Thực hiện chủ trương của huyện, xã, biến khó khăn thành lợi thế, bản đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc. Hàng năm, bản đều tổ chức tiêm phòng định kỳ đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm; đồng thời, hương ước của bản quy định người dân không được phép thả rông trâu, bò, nếu gia đình nào vi phạm phạt 100.000 đồng/con; hộ nào để trâu bò ăn lúa, hoa màu của người dân trong bản cũng bị xử phạt tùy theo mức độ thiệt hại… Nhờ cách làm ấy, đàn gia súc của bản sinh trưởng phát triển tốt. Trước năm 2010, cả bản chỉ có vài hộ nuôi trâu với hơn 20 con. Ðến nay, đàn gia súc của bản có trên 30 con trâu, 50 con bò, 64 con dê, hơn 100 con lợn…

Rời Chùa Sấu - “lá phổi xanh” của xã Xuân Lao, bỏ lại sau lưng màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng, trong tâm trí tôi vẫn nhớ bài học về cách giữ rừng của người dân Chùa Sấu. Ðối với họ, giữ rừng nghĩa là giữ người, giữ chính sinh mệnh của mình và giữ tài sản vô giá cho con cháu muôn đời sau...

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top