Lo Tết nhưng không quên phát triển kinh tế

09:25 - Thứ Sáu, 01/02/2019 Lượt xem: 8801 In bài viết

Chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1-2019 diễn ra chiều 31-1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, bên cạnh chăm lo Tết cho người dân, các cấp, các ngành phải chú ý một nhiệm vụ quan trọng không kém là đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Ngay sau kỳ nghỉ Tết, phải bắt tay ngay vào công việc, không được chậm trễ, trì trệ...

 

Lắp ráp linh kiện điện tử tại Nhà máy Samsung Việt Nam.

Xu hướng tích cực tiếp tục diễn ra

Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng đầu tiên của năm 2019, các thành viên Chính phủ cho rằng, xu hướng tích cực tiếp tục diễn ra, tiến độ đầu tư phát triển, đà tăng trưởng tốt. Cả nước có trên 10.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 7% về số lượng, nhưng tăng 53,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018, thể hiện quy mô doanh nghiệp ngày càng tăng. Tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt 1,9 tỷ USD, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2018... Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ tình hình quốc tế còn phức tạp, do đó Chính phủ yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan; tiếp tục thúc đẩy, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động.

Cũng tại phiên họp, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh công tác xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách cần được đặc biệt chú trọng và phải coi là một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2019. Cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải sửa đổi, bổ sung ngay, không được chậm trễ. Đây chính là hành động thiết thực để các doanh nghiệp, người dân, để nền kinh tế có thể phát huy sáng tạo, tham gia vào Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng gửi lời cảm ơn các cơ quan thông tin, truyền thông, các nhà báo đã đồng hành cùng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ trong suốt thời gian qua. Muốn thực hiện yêu cầu của Thủ tướng là bứt phá, tạo động lực phát triển thì vai trò của báo chí - truyền thông là hết sức quan trọng. Sự tham gia của báo chí sẽ tạo sức ép dư luận hết sức cần thiết để các cơ quan nhà nước thay đổi, sửa đổi các vướng mắc, bất cập; rất mong các cơ quan báo chí sẽ làm tốt hơn, làm mạnh hơn công tác này. Cùng với đó, Chính phủ cũng mong muốn báo chí vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc truyền thông lan tỏa cảm hứng phát triển, cùng với phê bình cái trì trệ, lạc hậu, cản trở phát triển thì đồng thời cũng cần ủng hộ cái mới, sự sáng tạo, khát vọng vươn lên.

Không được sử dụng xe công đi lễ chùa, lễ hội

Cũng tại buổi họp báo, các vấn đề nổi lên, được dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay như văn hóa quà Tết đang bị biến tướng, kiểm điểm vụ "xe biển xanh đón người nhà bộ trưởng" được báo chí đặt câu hỏi. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, văn hóa chúc Tết theo đúng phong tục truyền thống, tập quán của người Việt Nam vốn tốt đẹp, song đã bị lợi dụng. Do đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã cấm chúc Tết "để làm việc này, việc khác". Văn phòng Chính phủ quán triệt tinh thần đó và những ngày này, Thủ tướng không tiếp khách doanh nghiệp, không tiếp những người "không đến để làm việc mà chỉ chúc Tết". Thủ tướng cũng yêu cầu, công chức, viên chức không được sử dụng xe công đi lễ chùa, lễ hội.

Về kết quả kiểm tra vụ xe công đón người nhà Bộ trưởng Bộ Công Thương tận chân cầu thang máy bay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận, đây là việc đáng tiếc với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Bộ Công Thương. Sau khi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có thư xin lỗi, Văn phòng bộ đã tiến hành kiểm điểm, rà soát thông tin và báo cáo lên lãnh đạo, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương. "Chúng tôi khẳng định sẽ xử lý theo quy định với mục đích không để tái diễn sự việc tương tự; thực hiện nghiêm quy định về đón, tiễn lãnh đạo bộ. Khi có kết quả, sẽ thông báo công khai", ông Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Cũng về vấn đề này, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo phải rút kinh nghiệm chung cho các thành viên Chính phủ. Qua đây cho thấy, sự giám sát của báo chí, người dân là rất tốt, kịp thời phản ánh để các bộ, ngành có biện pháp chấn chỉnh những việc còn thiếu sót.
Liên quan đến hàng nghìn container phế liệu nằm ở các cảng biển trên cả nước, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, qua kiểm tra các nhà máy sản xuất chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nếu như chậm thông quan sẽ ảnh hưởng đến nguyên liệu, hợp đồng với đối tác đã ký… Rất tiếc, chúng ta đã không kiểm soát kỹ việc ban hành các văn bản, gây ra các rào cản thủ tục, một lô hàng phải qua 4 cơ quan kiểm tra, kiểm soát, khiến có đơn vị không đủ tiền nộp phạt cho những container này. 

Người phát ngôn Chính phủ nêu rõ, không ít lần các doanh nghiệp đã lên phản ánh tại Văn phòng Chính phủ, trực tiếp gặp Thủ tướng và khóc trước mặt Thủ tướng bởi những quy định hành chính "hành" họ. "Ban hành văn bản quy định kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Thông tư 08, 09 là sự vô cảm với doanh nghiệp. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là sẽ đưa vào nghị quyết của Chính phủ không giao trách nhiệm cho Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố nữa; sửa đổi các quy định của Nhà nước về việc nhập khẩu phế liệu theo hướng tăng cường trách nhiệm hậu kiểm, thay vì kiểm tra trước thông quan” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Về việc chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho hay: Tỷ lệ thành công chuyển đổi là khoảng 53%. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi cũng có những khó khăn ban đầu. Bộ Thông tin và Truyền thông lắng nghe ý kiến của dư luận và cũng đã 4 lần sửa quy trình để tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp...

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top