Góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân

08:21 - Thứ Tư, 20/02/2019 Lượt xem: 10081 In bài viết

ĐBP - Tủa Chùa là huyện miền núi có điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi trong phát triển kinh tế nông nghiệp vì có đến trên 70% diện tích tự nhiên là núi đá. Những năm qua, người dân Tủa Chùa chủ yếu trồng ngô và lúa nương, diện tích lúa nước hạn chế. Một số xã phía Bắc thì có thêm thu nhập từ cây chè nhưng cũng chưa mang lại hiệu quả rõ nét. Thời gian gần đây, nhiều người dân đã chuyển sang mở rộng quy mô và diện tích trồng rau màu và bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế.

 

Trước đây, người dân trồng rau chủ yếu để phục vụ nhu cầu của gia đình, nhưng hiện nay nhiều hộ đã có rau, củ, quả cung cấp ra thị trường. Trong ảnh: Người dân bán rau xanh tại chợ phiên Tả Sìn Thàng.

Trước đây, người dân trồng rau chủ yếu để phục vụ nhu cầu của gia đình, thì hiện nay nhiều hộ đã có rau, củ, quả cung cấp ra thị trường. Nhận thức được sản xuất rau màu đem lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường; do đó, nhiều hộ nông dân huyện Tủa Chùa đã chủ động gieo trồng đa dạng các loại rau màu, chú trọng sản xuất rau an toàn để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tại nhiều xã, như: Mường Báng, Tả Sìn Thàng, Xá Nhè người dân đã tận dụng những chân ruộng 1 vụ để trồng rau. Nhiều loại rau màu có thời gian sinh trưởng ngắn ngày như cải xanh, cải bẹ cho thu hoạch sớm mà không ảnh hưởng đến thời gian trồng lúa. Trước đây, việc mở rộng diện tích trồng rau màu gặp nhiều khó khăn vì người dân lo khi sản xuất ra không tiêu thụ được, nhưng hiện nay nhu cầu của thị trường đã thay đổi, nhiều người sẵn sàng mua rau, củ, quả được sản xuất an toàn (không phun thuốc trừ sâu, không bón phân hóa học) với giá cao hơn các loại rau màu không rõ nguồn gốc. Do vậy, nhiều hộ dân đã yên tâm để mở rộng diện tích các loại rau màu hàng năm.

Bà Vũ Ngọc Ánh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Ðể giúp người nông dân sản xuất rau màu đạt kết quả cao, ngay từ đầu vụ Phòng đã tham mưu với UBND huyện đưa ra một số giải pháp chỉ đạo như: Từng xã, từng vùng cần lựa chọn các loại cây trồng có thị trường đầu ra tốt để sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế; các cơ quan chuyên môn chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể huyện (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Ðoàn Thanh niên…) lồng ghép nội dung phát triển sản xuất rau màu vào các buổi sinh hoạt của các tổ chức hội nhằm thay đổi nhận thức cho người dân và hỗ trợ kỹ thuật chăm bón hiệu quả…

Mường Báng là một trong những xã đi đầu trong phát triển cây rau màu ở huyện Tủa Chùa. Ông Hạng A Chang, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Báng cho biết, vụ đông vừa qua toàn xã đã trồng khoảng 20ha rau màu. Ðể đạt kế hoạch đề ra, xã đã chỉ đạo tất cả các thôn, bản lập và triển khai kế hoạch sản xuất, đồng thời, tập trung sản xuất ngay sau khi thu hoạch lúa mùa, bảo đảm gieo trồng trong khung thời vụ tốt nhất. Bên cạnh đó, chỉ đạo các thôn tập trung kiểm tra, đánh giá kết quả sản xuất, kịp thời giúp người dân khắc phục khó khăn, bảo đảm diện tích đã trồng phát triển tốt, cho năng suất cao.

Là người có kinh nghiệm trồng rau màu hơn 10 năm, bà Tòng Thị Ngoén, đội 3, xã Mường Báng cho biết: Trồng rau vụ đông không chỉ phục vụ sinh hoạt gia đình mà còn có thêm thu nhập. Vì diện tích đất có hạn, nên vụ đông vừa qua toàn bộ 1.000m2 đất của gia đình bà Ngoén chỉ tập trung trồng hai loại chính là cà chua và bắp cải. Cũng theo bà Ngoén, vì đây là diện tích chuyên canh rau màu của gia đình nên khi trồng rau vụ hè bà thường tính toán xem nên trồng những loại nào, thời gian bao nhiêu ngày để có thể bước vào sản xuất vụ đông sớm nhất vì đầu mùa giá bán các loại rau màu lúc nào cũng cao hơn so với chính vụ. Gia đình Bà Nguyễn Thị Lưu, ở đội 9, xã Mường Báng có gần 2.000m2 đất canh tác đều được trồng rau màu để cho thu hoạch trước tết Nguyên Ðán. Nhờ mạnh dạn gieo trồng những giống cây vụ đông có giá trị kinh tế cao như: Su hào, bắp cải, bí đỏ, cải xanh... và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nên toàn bộ diện tích vườn rau màu của gia đình đều phát triển tốt.

Tại nhiều xã khác trên địa bàn huyện, bà con cũng đang từng bước mở rộng diện tích rau màu, trong đó chủ yếu là trồng rau xanh. Mở rộng diện tích gắn với bảo đảm chất lượng sẽ từng bước tạo dựng được thương hiệu, từ đó nâng cao giá thành sản phẩm. Phát triển rau màu để phục vụ sinh hoạt và cung cấp cho thị trường đang là hướng đi đúng để phát triển kinh tế bền vững của đồng bào vùng cao; góp phần để nhân dân nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top