Giúp người dân phát triển sản xuất bền vững

08:35 - Thứ Tư, 20/02/2019 Lượt xem: 8912 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, chương trình hỗ trợ sản xuất bằng nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đã góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân, nhất là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả nguồn vốn và giúp người dân phát triển sản xuất ổn định, bền vững, năm 2018, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư triển khai các dự án theo chuỗi liên kết, sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Ðến nay, các dự án đang giai đoạn kiến thiết, mang đến kỳ vọng một hướng sản xuất mới.

 

Cán bộ khuyến nông xã Na Sang (huyện Mường Chà) kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây bưởi hỗ trợ cho nông dân. Ảnh: Phạm Trung

Qua sự giới thiệu của lãnh đạo UBND xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng), chúng tôi đến thăm vườn bưởi da xanh của gia đình bà Lò Thị Úm, bản Cha Nọ - một trong 7 hộ dân tham gia Dự án Hỗ trợ trồng cây ăn quả theo chuỗi liên kết bằng nguồn vốn Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới năm 2018. Bà Lò Thị Úm cho biết: Năm 2018, khi UBND xã thông báo, khảo sát nguyện vọng của người dân để triển khai dự án, tôi đã đăng ký tham gia. Ðiều kiện để các hộ dân tham gia dự án được quy định cụ thể, chặt chẽ hơn những lần trước; đó là phải đáp ứng các điều kiện về diện tích đất sản xuất tập trung, điều kiện chăm sóc, bảo vệ vườn cây... Do đó, số lượng hộ tham gia ít hơn. Ðổi lại, người dân sẽ được hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và được cam kết tiêu thụ sản phẩm. Gia đình tôi tham gia dự án với 7.000m2 đất nương trồng ngô, lúa kém hiệu quả. Sau mấy tháng trồng, theo dõi, nhận thấy cây bưởi phát triển phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên tôi đầu tư mua thêm cây giống, trồng đủ diện tích 1ha. Ðể bảo đảm vườn cây phát triển theo đúng quy trình, ngoài việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, cán bộ khuyến nông xã khuyến cáo gia đình làm hàng rào bảo vệ vườn cây khỏi bị gia súc phá hại.

Vườn xoài Ðài Loan xanh tốt rộng gần 1ha được trồng hàng cách hàng, cây cách cây 6m là kết quả khi tham gia dự án trồng cây ăn quả theo chuỗi liên kết của gia đình anh Lường Văn Hải, bản Co Có, xã Ẳng Tở. Anh Hải cho biết: Nhiều năm trước, đây là đất nương trồng ngô, lúa nương của gia đình. Sau này gia đình tập trung canh tác lúa nước nên diện tích nương này bị bỏ hoang. Năm 2018, tôi đăng ký tham gia dự án hỗ trợ cây ăn quả theo chương trình xây dựng nông thôn mới của xã. Ðến nay, sau nửa năm kiến thiết, với sự hỗ trợ của cán bộ khuyến nông xã, cán bộ nông nghiệp huyện về kỹ thuật chăm sóc định kỳ nên vườn xoài Ðài Loan phát triển tốt, chưa xuất hiện sâu bệnh.

Năm 2018, bằng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, huyện Mường Ảng triển khai hỗ trợ trồng cây ăn quả theo chuỗi liên kết giá trị nông nghiệp với quy mô 45ha/dự án; hỗ trợ hộ gia đình tối đa 4ha/hộ, tối thiểu 0,1ha/hộ. Ðến nay, huyện đã triển khai được 1 dự án, với tổng diện tích 44,9ha, trong đó: Bưởi da xanh 9,3ha và xoài Ðài Loan 35,6ha. Ông Kiều Xuân Hoàng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết: Dự án hỗ trợ cây ăn quả theo hình thức liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp gồm 4 thành phần tham gia: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (chủ đầu tư); người dân; đơn vị cung ứng cây giống và đơn vị bao tiêu sản phẩm. Mỗi thành phần tham gia có vai trò và trách nhiệm cụ thể. Riêng đối với đơn vị cam kết bao tiêu sản phẩm phải xác định và thống nhất với chủ đầu tư, người dân tham gia dự án mức giá sàn của sản phẩm. Nếu giá thị trường cao hơn giá sàn, đơn vị thu mua theo giá thị trường, trong trường hợp giá thị trường thấp hơn thì vẫn phải mua với mức giá sàn đã ký kết. Cũng giống như huyện Mường Ảng, năm 2018, thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, huyện Mường Chà đã triển khai hỗ trợ hơn 12.000 cây giống bưởi da xanh và bưởi diễn cho 118 hộ của 2 xã: Mường Mươn và Na Sang. Trong đó, xã Na Sang cấp bưởi giống cho 70 hộ, với 4.850 cây; xã Mường Mươn cấp 7.700 cây cho 48 hộ. Ðến nay, các dự án hỗ trợ cây ăn quả đều đạt tỷ lệ sống cao, phát triển tốt. Qua đó, bước đầu hình thành khu vực chuyên canh cây ăn quả tại 2 xã: Mường Mươn và Na Sang, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của huyện Mường Chà giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top