Khơi thông dòng vốn tư nhân

16:02 - Thứ Hai, 25/02/2019 Lượt xem: 8671 In bài viết

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (DN) đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng DN và các bộ, ngành liên quan.

 

May gia công quần áo xuất khẩu tại Công ty TNHH may Phú Mỹ - Kim Anh, Quảng Nam. Ảnh minh họa

Sau hơn ba năm thực thi, Luật DN năm 2014 đã góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư thông qua những cải cách trong lĩnh vực đăng ký DN. Với tinh thần cải cách, Luật DN năm 2014 đã bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân và DN, góp phần thúc đẩy sự lớn mạnh của DN Việt Nam. Một năm sau khi Luật DN năm 2014 có hiệu lực, số lượng DN mới được thành lập đạt mức kỷ lục, vượt ngưỡng 100 nghìn DN/năm, bổ sung hàng triệu tỷ đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế. Tuy nhiên, quá trình thực thi luật cũng đang nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan các quy định về thành lập DN; tổ chức quản trị DN, quyền lợi cổ đông,… đòi hỏi các cơ quan quản lý phải tập trung tháo gỡ.

Ban soạn thảo dự luật đang hướng tới giải quyết bốn vấn đề khúc mắc lớn nhất hiện nay, gồm: sự khác biệt, phân tán về thủ tục đăng ký giữa Luật DN và các luật chuyên ngành; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh để giảm thời gian, chi phí cho DN; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa rõ ràng, không tương thích với sự thay đổi pháp luật có liên quan; các quy định về quyền lợi cổ đông. Chẳng hạn, Luật DN quy định phải hoàn thành năm thủ tục hành chính mới được kinh doanh, cho nên dự thảo đề xuất bỏ các thủ tục không cần thiết như đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng, báo cáo thay đổi thông tin người quản lý DN. Ðáng lưu ý, một số quy định trong Luật DN chưa tạo thuận lợi cho cổ đông thực hiện quyền của mình, hạn chế quyền của cổ đông,… cũng cần phải điều chỉnh. Một vấn đề rất quan trọng đặt ra khi sửa Luật DN là cần tính đến giải pháp thúc đẩy sự chuyển đổi gần năm triệu hộ kinh doanh cá thể lên thành DN chính thức, từng bước hình thành một thế hệ DN tư nhân đủ lớn, đủ mạnh. Các hộ kinh doanh cá thể có đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, ước tính chiếm đến hơn 30% GDP nhưng khung khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu và chưa bình đẳng so với các DN hoạt động chính thức. Ðể khu vực kinh tế không chính thức này có động lực chuyển đổi thành DN, không chỉ cần tháo gỡ các rào cản về thuế, về sổ sách kế toán phù hợp với trình độ quản lý mà còn phải có khung khổ pháp lý riêng, thậm chí một chương riêng trong Luật DN để điều chỉnh.

Có thể nói, Luật DN qua hai lần sửa đổi (năm 2005 và 2014) đã hoàn thành sứ mệnh tháo gỡ những rào cản gia nhập thị trường thúc đẩy người dân bỏ vốn kinh doanh. Từ chỗ nhiều khi phải mất hàng tháng trời cùng không ít chi phí "bôi trơn" mới hoàn thành được thủ tục thành lập DN, đến nay, để khai sinh một DN chỉ cần một đến hai ngày, thậm chí vài giờ ngồi làm thủ tục trực tuyến mà không cần phải đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của DN mới là điều quan trọng. Sau khi gia nhập thị trường, DN cần có sức đề kháng để sống khỏe trong bối cảnh nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng. Ðã đến lúc Luật DN cần hướng tới một giai đoạn mới là đưa ra những hành lang pháp lý với thông lệ quản trị DN tốt. Những chuyển biến mạnh mẽ trong nền kinh tế tiếp tục đòi hỏi các quy định phải thông thoáng hơn nữa, trong đó có Luật DN. Các vướng mắc nói trên nếu được tháo gỡ sẽ góp phần quan trọng giúp chi phí kinh doanh giảm xuống, môi trường kinh doanh an toàn hơn cho nhà đầu tư, khơi thông dòng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân.

P.V (Theo Nhân Dân)
Bình luận
Back To Top