Thúc đẩy mua - bán nợ theo giá trị thị trường

16:04 - Thứ Hai, 25/02/2019 Lượt xem: 8821 In bài viết

Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để ngành ngân hàng đẩy mạnh xử lý nợ xấu và các khoản nợ nguy cơ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, góp phần ổn định hệ thống và bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng.

Ðây cũng là bệ đỡ tạo cú huých cho hoạt động xử lý nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nói riêng cũng như hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam nói chung.

Theo thể hiện tương đối rõ nét khi số liệu mới nhất từ NHNN cũng cho thấy, tính từ giữa năm 2012 đến hết tháng 6-2018, toàn hệ thống đã xử lý được 785.930 tỷ đồng nợ xấu; riêng sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 42, toàn hệ thống đã xử lý được 138.290 tỷ đồng (tương đương 17,5% của cả sáu năm qua); trong đó các TCTD đã xử lý được 58.800 tỷ đồng.

Cùng với các TCTD, theo Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC Nguyễn Tiến Ðông, từ khi Nghị quyết 42 của Quốc hội có hiệu lực (từ ngày 15-8-2017), kết quả thu hồi nợ của VAMC trong năm 2017 và năm 2018 khá cao, đạt 68.103 tỷ đồng, bằng gần 50% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến nay. Riêng năm 2018, VAMC đã thu hồi gần như toàn bộ số nợ xấu đã mua theo giá trị thị trường và xử lý hơn 48 nghìn tỷ đồng nợ xấu mua về. Năm 2019, cơ quan này đặt mục tiêu xử lý nợ xấu với dư nợ gốc khoảng 50 nghìn tỷ đồng, phấn đấu đến năm 2020 xử lý căn bản khoảng 90% số nợ xấu đã mua. Trong đó, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp quy định tại Nghị quyết 42 như tích cực thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, mua bán nợ theo giá trị thị trường,…, VAMC cũng đặt mục tiêu năm 2019 mua nợ theo giá thị trường khoảng 4.000 tỷ đồng. Ðể thực hiện mục tiêu này, bên cạnh việc cấp bách bổ sung nguồn vốn kịp thời theo lộ trình, VAMC đang tích cực triển khai những bước quan trọng tiếp theo để hình thành thị trường mua bán nợ tập trung.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Ðông, để lộ trình xử lý nợ xấu nhanh, hiệu quả hơn, bên cạnh việc thúc đẩy thị trường mua bán nợ tập trung, đến cuối năm 2019 cần phải có sự đánh giá lại hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 42. Theo đó, sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực vào năm 2022, cần phải có "cây gậy" thay thế để hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Cần phải tổng kết kết quả những mặt được và chưa được của Nghị quyết 42, trên cơ sở đó xây dựng dự thảo luật xử lý nợ xấu. Hiện nay, VAMC cũng như các TCTD đang gặp một số vướng mắc trong quá trình triển khai theo Nghị quyết 42, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan để chung tay tháo gỡ. Thực hiện yêu cầu của Thống đốc NHNN, VAMC đã và đang tập hợp lại tất cả những vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết 42 để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Nguyễn Ðức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cho rằng: Ðối với một thị trường mua bán nợ vẫn còn chưa phát triển như ở Việt Nam, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu các luật, tạo cơ chế trong xử lý nợ xấu, nhất là nên tổng kết từ thực tiễn một số vụ việc mua bán nợ điển hình thành công để cho các TCTD vận dụng.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhìn nhận, Việt Nam đang thiếu vắng một thị trường mua bán nợ thật sự. Dù Nghị quyết 42 quy định TCTD được bán các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm liên quan một cách công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật và giá bán phù hợp với giá thị trường, cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ, thế nhưng, việc bán nợ vẫn tương đối hạn chế do các TCTD chủ yếu chỉ bán nợ cho VAMC và Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Trong khi đó, một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa (gồm cả mua bán nợ bình thường) và hoạt động hiệu quả chưa được hình thành. Vì vậy, theo TS Cấn Văn Lực, để quá trình xử lý nợ xấu và thực hiện Nghị quyết 42 mang lại hiệu quả cao hơn, đáp ứng yêu cầu đề ra, cần nghiêm túc thực hiện đánh giá kết quả thực hiện giữa kỳ vào thời điểm cuối năm 2019. Ðồng thời, cần có sự vào cuộc nhanh chóng, chủ động, tích cực tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu và thực hiện Nghị quyết 42 của các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương.

P.V (Theo Nhân Dân)
Bình luận
Back To Top