Vì sao ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi sau Tết?

15:41 - Thứ Ba, 26/02/2019 Lượt xem: 10364 In bài viết

Trong những ngày đầu năm mới, một số ngân hàng đã tăng mức lãi suất huy động tiền gửi và tung ra nhiều chương trình khuyến mãi dành cho người dân đến gửi tiền. Điều này làm mặt bằng lãi suất chung của thị trường ngân hàng có sự biến động. Và câu hỏi được đặt ra ở đây là vì sao lại có hiện tượng này?

 

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Lãi suất hấp dẫn gần 9%

Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), hiện nay, một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động tiền gửi để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân do sau Tết Nguyên đán, lượng tiền mặt khá dồi dào; bên cạnh đó, còn nhằm mục đích điều chỉnh cơ cấu tiền gửi trong bối cảnh nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn vẫn tăng cao. Mặt khác, do trước Tết, các công ty rút ra một lượng tiền lớn từ ngân hàng để chi lương, thưởng cho nhân viên; người dân rút tiền để chi tiêu, mua sắm... Vì vậy, đây là thời điểm mà các ngân hàng cần đưa ra những chính sách hấp dẫn về lãi suất, khuyến mãi... để thu hút vốn nhằm cân đối nguồn tiền cho hợp lý hơn.  

Được biết, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang áp dụng mức lãi suất tiền gửi online là 8,95%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Đây được xem là mức lãi suất huy động tiền gửi thuộc dạng cao nhất thị trường hiện nay. Không nằm ngoài xu thế đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) hiện áp dụng mức lãi suất tiền gửi tối đa là 8,6%/năm. Nhằm đáp ứng nhu cầu gửi tiền dài hạn hưởng lãi suất cao, từ ngày 29-1-2019, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) chính thức phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn bằng tiền Việt Nam đồng với mức lãi suất lên tới 8,6%/năm cho các khách hàng cá nhân. Sản phẩm này phù hợp với các khách hàng cá nhân có nguồn tài chính nhàn rỗi, ổn định, có xu hướng chọn kênh đầu tư an toàn mà vẫn được hưởng lãi suất hấp dẫn. Ngoài ra, một số ngân hàng, như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BAOVIET Bank)… cũng đưa ra các mức lãi suất cao để thu hút tiền gửi của khách hàng. 

Cạnh tranh với các thị trường khác

Năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam biến động khá mạnh với nhiều phiên giảm điểm. Khi đó, nhiều nhà đầu tư đã chán nản với thị trường này và chuyển dịch dòng vốn sang các kênh đầu tư khác an toàn hơn, như: Trái phiếu, bất động sản hoặc gửi tiết kiệm ngân hàng với mức lãi suất khoảng 7%/năm. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2019 tới nay, diễn biến thị trường trở nên khá ổn định và mang lại cơ hội mới cho các nhà đầu tư. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19-2, chỉ số Vn-Index đạt 964,35 điểm, tăng gần 8% so với giai đoạn cuối năm 2018. Những diễn biến tích cực của thị trường trong giai đoạn vừa qua kéo theo luồng vốn của các nhà đầu tư quay trở lại sàn chứng khoán. Nếu như tham gia đầu tư vào giai đoạn trước Tết Nguyên đán, hầu hết nhà đầu tư có thể ghi nhận khoản lợi nhuận 6-7% chỉ trong hơn một tháng, tương đương gửi ngân hàng cả năm. Thậm chí, nếu nhà đầu tư mạnh dạn sử dụng "đòn bẩy" tài chính trong đầu tư chứng khoán (margin) hoặc sở hữu các mã cổ phiếu tốt thì có thể ghi nhận tỷ suất lợi nhuận lên tới 20-30% trở lên, gấp nhiều lần lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Theo các chuyên gia tài chính-ngân hàng, với áp lực Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tiếp tục điều chỉnh lãi suất trong năm 2019, những kênh đầu tư khác, như: Vàng, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu… đang tạo sức ép khá lớn lên kênh huy động tiền gửi tiết kiệm. Bởi vậy, một số ngân hàng có nhu cầu huy động vốn ở kỳ hạn dài nhằm cơ cấu lại nguồn tiền gửi, đáp ứng tiêu chí an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, bắt buộc phải có các chính sách ưu đãi dành cho khách hàng nếu muốn thu hút tiền gửi.

Tác động đến thị trường liên ngân hàng

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sau Tết thanh khoản tốt hơn bởi dòng tiền từ người dân và doanh nghiệp tăng cao. Do vậy, các ngân hàng tận dụng cơ hội này để huy động vốn. Đây cũng là hoạt động nghiệp vụ vô cùng quan trọng của ngân hàng. Đặc biệt, các ngân hàng tầm trung và nhỏ sẽ có nhiều chính sách tăng lãi suất nhằm huy động vốn để phục vụ nhu cầu tín dụng trong năm tài chính mới. Điều này có thể dẫn tới sự tác động đến thị trường liên ngân hàng sẽ đi không đúng theo định hướng của Chính phủ muốn giảm lãi suất cho vay trong năm 2019. Bởi trên thực tế, các ngân hàng huy động với mức lãi suất cao khi cho vay ra bên ngoài, mức lãi suất sẽ không thể thấp được. Do vậy, để giảm tác động đến việc tăng lãi suất cho vay, từ bây giờ đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước cần có các biện pháp, như: Bơm thanh khoản để giảm lãi suất điều hành; thắt chặt lãi suất trên thị trường mở; điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn…

P.V (Theo QĐND)
Bình luận
Back To Top