Tăng đơn giá chi trả DVMTR lưu vực sông Mã

09:23 - Thứ Tư, 27/02/2019 Lượt xem: 9166 In bài viết

ĐBP - Do không nằm trong khu vực rừng đầu nguồn có các thủy điện lớn nên diện tích rừng thuộc lưu vực sông Mã có đơn giá chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) rất thấp, từ 5.000 - 6.000 đồng/ha/năm. Vì đơn giá thấp nên Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chưa thể chi trả cho chủ rừng. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình UBND tỉnh phê duyệt việc điều tiết tiền DVMTR của lưu vực sông Ðà sang lưu vực sông Mã. Việc điều tiết tiền chi trả DVMTR sẽ tạo động lực để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.

Bà Ðặng Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: Trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên hiện có 2 lưu vực chính hưởng tiền DVMTR từ nguồn kinh phí Trung ương cấp là lưu vực sông Ðà và lưu vực sông Mã. Lưu vực sông Ðà có các nhà máy thủy điện lớn nên đơn giá chi trả DVMTR rất cao. Ðiển hình như, diện tích rừng tại các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ có đơn giá chi trả trên 800.000 đồng/ha/năm và những vùng nằm trong lưu vực thủy điện trên sông Ðà cũng đạt trên 500.000 đồng/ha/năm. Ðối với lưu vực sông Mã, đơn giá chi trả chỉ từ từ 5.000 - 6.000 đồng/ha/năm. Do đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chưa thể chi trả cho người dân bởi mỗi lần tổ chức chi trả, kinh phí đi lại rất tốn kém, có những chủ rừng từ nhà ra đến trung tâm xã để nhận tiền mất nửa ngày nên nhiều chủ rừng không muốn đi nhận tiền. Từ năm 2018, nguồn thu từ hoạt động kinh doanh của các nhà máy thủy điện trên sông Mã tăng nên đơn giá chi trả DVMTR thuộc lưu vực sông Mã cũng tăng lên 307.851 đồng/ha/năm. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình UBND tỉnh phê duyệt việc điều tiết tiền chi trả DVMTR của lưu vực sông Ðà sang lưu vực sông Mã để đảm bảo mức đơn giá tối thiểu 400.000 đồng/ha/năm. Ðây là tín hiệu mừng cho các chủ rừng thuộc lưu vực sông Mã trên địa bàn các huyện: Mường Ảng, Ðiện Biên Ðông, Tuần Giáo và Ðiện Biên. Qua đó, giúp người dân tăng thu nhập, thêm động lực để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Theo tính toán của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, năm 2018, số tiền chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh tăng khá lớn so với năm 2017. Cụ thể, lưu vực sông Ðà trên địa bàn 2 huyện Mường Nhé và Nậm Pồ (trừ một số chủ rừng nằm ngoài lưu vực Nhà máy thủy điện Lai Châu tại các xã: Chà Tở, Si Pa Phìn, Phìn Hồ) có diện tích 117.780,5ha với đơn giá 1,259 triệu đồng/ha/năm; lưu vực sông Ðà trên địa bàn các huyện: Mường Chà, Tủa Chùa, Ðiện Biên, Tuần Giáo (11 xã) và thị xã Mường Lay có tổng diện tích 98.363,2ha với đơn giá 777.876 đồng/ha/năm; lưu vực sông Mã có diện tích 39.865,8ha với đơn giá 307.851 đồng/ha/năm. Tại điểm a, khoản 1, mục II, phụ lục VII Nghị định số 156/2018/NÐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định: Ðối với diện tích rừng có mức chi trả DVMTR lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước cho khoán bảo vệ rừng, tùy theo đối tượng trên cùng địa bàn, UBND cấp tỉnh quyết định mức điều tiết phù hợp. Mặt khác, theo quy định tại Nghị định số 75/2015/NÐ-CP, ngày 9/9/2015 của Chính phủ, mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư tại các xã thuộc khu vực II là 400.000 đồng/ha/năm. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Tờ trình số 263/TTr-SNN gửi UBND tỉnh về việc điều tiết tiền DVMTR năm 2018 của lưu vực sông Ðà (lưu vực Nhà máy thủy điện Lai Châu) có mức chi trả hơn 2 lần mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước về khoán bảo vệ rừng sang lưu vực sông Mã và lưu vực nhà máy nước TP. Ðiện Biên Phủ. Theo đó, năm 2018, diện tích rừng lưu vực sông Mã được điều tiết tăng thêm 92.149 đồng/ha để đơn giá đạt 400.000 đồng/ha/năm. Tổng số tiền điều tiết tăng là 3,674 tỷ đồng.

Xã Nà Tấu (huyện Ðiện Biên) có trên 3.428,69ha rừng thuộc lưu vực sông Mã được chi trả DVMTR. Thông tin đơn giá chi trả DVMTR năm 2018 đạt 307.851 đồng/ha và tỉnh dự kiến điều tiết để đơn giá đạt 400.000 đồng/ha/năm đã mang lại niềm phấn khởi cho người dân trên địa bàn. Ông Vàng A Thành, Trưởng bản Hua Rốm 2, xã Nà Tấu cho biết: Cộng đồng bản Hua Rốm 2 được giao quản lý, bảo vệ 1.676,3ha rừng, diện tích lớn nhất xã Nà Tấu. Trước đây, dù đơn giá DVMTR rất thấp, chỉ khoảng 6.000 đồng/ha nhưng dân bản vẫn thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng. Khi tiền hỗ trợ tăng thì thu nhập của người dân sẽ tăng, và công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng sẽ ngày càng tốt hơn.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top