Thiết bị nông nghiệp công nghệ cao: Tiền nhiều chưa chắc thắng

15:52 - Thứ Tư, 27/02/2019 Lượt xem: 9212 In bài viết

Nông nghiệp công nghệ cao (CNC) ngày càng phát triển ở Việt Nam và việc nhập các thiết bị phục vụ hoạt động này đang thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia. Tuy nhiên, nhiều công ty nhập các thiết bị công nghệ cao nhưng không tiến hành chuyển giao công nghệ hoặc hướng dẫn cụ thể cách sử dụng cho nông dân. 

Hậu quả, nhiều nông dân, DN sản xuất nông nghiệp gặp trục trặc khi sử dụng các công nghệ này và không ít người đã… quay lại với cách sản xuất thủ công.

DN, nông dân đều gặp khó

Là DN nhập hệ thống nhà màng từ nước ngoài về TPHCM để triển khai trồng dưa lưới nhưng lận đận nhiều năm mới có thể vận hành hệ thống này ổn định, ông Trang Quốc Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp CNC Nông Phát, kể những mùa vụ đầu tiên chất lượng sản phẩm rất kém dù đã thay đổi cách trồng, cách tưới nước, phun thuốc… theo công nghệ hiện đại.

Gói ghém hành trang qua nước ngoài để học lại CNC, ông Dũng mới nhận ra một điều, công nghệ nhập về nhưng cũng phải phù hợp điều kiện thời tiết tại nơi sản xuất. Điển hình, hệ thống nhà màng trồng dưa lưới phải điều chỉnh cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, từ khâu mắc lưới tới tưới nhỏ giọt, quạt gió…

“Tuy những điều chỉnh nghe thì đơn giản, nhưng bản thân tôi đã trả giá đắt khi sử dụng không đúng, thậm chí dẫn tới thua lỗ nặng nề. Suy cho cùng không phải cứ mua về là áp dụng hiệu quả và thành công, mà đòi hỏi nông dân phải có thêm kỹ thuật chuyên môn để có thể vận hành. Do đó, mua sản phẩm CNC cần phải có hợp đồng chuyển giao công nghệ, không nên mua đứt bán đoạn”, ông Dũng khuyến cáo.

Không phải nông dân nào cũng may mắn như ông Trang Quốc Dũng. Một trong những nông dân tiên phong đầu tư thiết bị CNC phục vụ nuôi trồng tôm ở huyện Nhà Bè (TPHCM) nhưng sau thời gian ngắn đành phải cất công nghệ vào… kho là ông Trần Văn Mùa.

Sau khi được nhiều công ty quảng cáo sản phẩm CNC giúp tăng năng suất, hiệu quả trong nuôi tôm, ông Mùa đã mạnh dạn đầu tư thiết bị đo độ pH trong ao với giá trị hơn tỷ đồng. Công nghệ này được tích hợp, sử dụng trên điện thoại thông minh. Để áp dụng công nghệ, ông Mùa phải thuê một kỹ sư vận hành với chi phí 15 triệu đồng/tháng.

Thế nhưng, được một thời gian, thiết bị đo nước gặp trục trặc, thường xuyên báo số không chính xác - điều rất nguy hiểm cho sự sống còn của con tôm. Ngay người kỹ sư cũng “bó tay” chịu thua. Thấy vậy, ông Mùa trở lại sản xuất thủ công: thuê một người làm với lương 10 triệu đồng/tháng để lấy mẫu nước gửi đi xét nghiệm và còn kiêm thêm nhiệm vụ “bảo vệ” ở ao tôm. “Còn ổn hơn khi áp dụng CNC”, ông Mùa ngao ngán nói.

Là kỹ sư thủy sản nhưng ông Nguyễn Hoài Nam (huyện Cần Giờ) cũng không dám áp dụng một số mô hình nuôi tôm CNC, dù chỉ là công nghệ đơn giản như công nghệ sinh học xử lý nước, ươm tôm giống trong nhà kính...

 

Ao tôm của kỹ sư Nguyễn Hoài Nam chỉ áp dụng những công nghệ… chưa cao.

Ông Nam cho hay: “Nhiều công ty cung cấp CNC đã thử nghiệm trên ao tôm của tôi nhưng thiết bị vận hành đều không ổn định. Những thiết bị CNC sử dụng phần mềm qua điện thoại thông minh thường xuyên gặp trục trặc, đã thế ứng dụng cao còn đòi hỏi chi phí lớn và nếu tính vào giá thành con tôm thì không có lợi nhuận. Nhiều tập đoàn lớn còn khẳng định không thể sử dụng CNC trong nuôi tôm. Bản thân tôi còn phải đi học hỏi, tìm hiểu, thì người thuần nông làm sao có thể biết và áp dụng được CNC”.

Mô hình thí điểm để trình diễn

Hiện, Sở NN-PTNT đã trình UBND TPHCM quy định tiêu chuẩn tối thiểu trước khi đầu tư nông nghiệp CNC (như kinh tế, kỹ thuật, diện tích…) và đang chờ ban hành.

Ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông  TPHCM, cho biết để khuyến khích áp dụng CNC phục vụ nông nghiệp, nhiều năm qua, trung tâm đã mở lớp đào tạo nông nghiệp CNC như canh tác dưa lưới trong nhà màng, trồng rau thủy canh và nuôi tôm. Tiếp tục năm 2019, trung tâm đang khảo sát về nhu cầu CNC để mở thêm lớp đào tạo, đồng thời triển khai mô hình trình diễn để nông dân học tập. Ngoài ra, trung tâm sẽ giới thiệu các loại công nghệ hiện có tại Việt Nam và đánh giá phân tích những ưu điểm, những vướng mắc, khó khăn cho nông dân biết.

Đại điện Sở NN-PTNT TPHCM cho hay, sản phẩm CNC phải triển khai có kết quả mới đánh giá chính xác được chất lượng, sự phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng... Tuy nhiên, CNC cũng phụ thuộc vào con người vận hành. Cho nên, sở khuyến cáo trước kia mua công nghệ cần phải tham khảo thị trường, xem quy trình hoạt động thực tế tại đơn vị khác, nhất là phải ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, vận hành, không nên mua đứt bán đoạn.

Về phía cơ quan chức năng quản lý khoa học và công nghệ (KH-CN), đại diện Sở KH-CN TPHCM thông tin đã có quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, nhiều công ty thường “né tránh” bằng cách lập hợp đồng mua bán chứ không phải chuyển giao công nghệ, nên rất khó quản lý. Nhiều trường hợp sau khi mua, thiết bị công nghệ đối với nông dân không khác gì… sắt vụn.

Hàng năm, sở đều khuyến cáo nông dân cần tìm hiểu công nghệ trước khi đầu tư nhưng nhiều nông dân vẫn chủ quan. Hiện nay, TPHCM có rất nhiều hiệp hội, trung tâm, viện, trường tư vấn chuyển giao công nghệ. Đó là kênh thông tin uy tín để nông dân liên hệ, tiếp cận. Tốt nhất, đối với việc chuyển giao công nghệ cần phải thông qua đơn vị thứ 3 như Sở KH-CN, Sở NN-PTNT, cũng như nhờ các đơn vị này hỗ trợ kỹ thuật, pháp luật.

Đánh giá về thiết bị nông nghiệp CNC, ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM (AHTP), nhận xét khi áp dụng CNC thì công nghệ chỉ là phần cứng, còn con người vận hành là phần mềm. Điểm mấu chốt ở đây, nông dân luôn mặc định suy nghĩ đơn giản rằng khi đơn vị bán hàng hướng dẫn vận hành thiết bị là đã chuyển giao công nghệ. Nhưng thực tế đó là hiểu sai, thiết bị đó vẫn còn nhiều công nghệ bên trong, để vận hành được, nông dân cần phải qua lớp đào tạo.

Ngay cả tại AHTP, khi có thiết bị mới về, nhân viên cũng phải học hỏi nhiều tháng. Để đảm bảo, nông dân phải cùng với đơn vị này hợp tác chuyển giao công nghệ trong suốt nhiều tháng và khi gặp trục trặc thì cả hai phải cùng nhau khắc phục. Bên cạnh đó, thiết bị nhập khẩu từ nước khác thì khi về Việt Nam áp dụng cần phải điều chỉnh cho phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, canh tác...

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top