Sẽ điều chỉnh giá điện trong thời gian tới?

10:25 - Thứ Năm, 28/02/2019 Lượt xem: 10545 In bài viết

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 281/QĐ-BCT về khung giá phát điện năm 2019 áp dụng cho đàm phán giá hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện. Theo đó, khung giá phát điện đối với nhà máy nhiệt điện than, nhà máy thủy điện đều tăng so với trước do giá nguyên liệu tăng.

 

Chi phí sản xuất tăng tạo nhiều áp lực với ngành Điện.

Theo Quyết định số 281/QĐ-BCT, ngày 12-2-2019, của Bộ Công Thương về khung giá phát điện năm 2019, có hiệu lực kể từ ngày ký, thì đối với nhà máy nhiệt điện than, mức trần của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí cảng biển và cơ sở hạ tầng dùng chung) áp dụng cho than nhập khẩu công suất tinh 1x600MW là 1.896,05 đồng/kWh. Mức trần của nhà máy điện chuẩn có công suất tinh 2x600MW là 1.677,02 đồng/kWh. Riêng với nhà máy thủy điện, mức trần của khung giá điện (chưa bao gồm thuế tài nguyên nước, tiền phí dịch vụ môi trường rừng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và thuế giá trị gia tăng) là 1.110 đồng/kWh. Như vậy, đối với nhiệt điện than, khung giá mới tăng từ 76,98 - 359,29 đồng/kWh so với năm 2018, nguyên nhân là giá nguyên liệu than tăng 135.744 đồng/tấn. Cụ thể, mức giá than nhập năm 2018 là 1.602.234 đồng/tấn, giá năm 2019 lên tới 1.737.978 đồng/tấn (giá chưa bao gồm thuế VAT và chi phí vận chuyển). Với các nhà máy thủy điện, mức giá mới tăng 20 đồng/ kWh. Với việc điều chỉnh khung giá sản xuất, giá điện bán lẻ nhiều khả năng sẽ có sự điều chỉnh.

Tại cuộc họp giữa Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ với một số bộ, ngành về xây dựng kịch bản điều hành giá năm 2019 hồi cuối năm 2018, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, thực hiện nghị quyết của Chính phủ, giá điện không điều chỉnh tăng trong năm 2018 nhằm góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát. 

Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định, năm 2019 ngành Điện vẫn bảo đảm nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt, tuy nhiên chi phí đầu vào cho sản xuất điện, trong đó có than, dầu tăng giá, nguồn khí cấp cho phát điện cũng đã đến giới hạn khai thác..., mà giá điện không được điều chỉnh đã gây khó khăn cho kinh doanh và hoạt động của ngành Điện hiện nay. 

Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá, lý giải cho việc dự tính giá điện phải điều chỉnh tăng năm 2019, Bộ Công Thương cho hay, do tổng chi phí bị tăng lên năm 2018 và năm 2019 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khoảng 20.735 tỷ đồng dẫn đến có thể phải xem xét điều chỉnh giá điện bán lẻ trong năm 2019 theo quy định tại Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg (ngày 25-7-2017). Cụ thể, tổng chi phí phát sinh nêu trên gồm cả năm 2018 và năm 2019. 

Năm 2018 chi phí tăng thêm trong cơ cấu tính giá điện khoảng 5.483 tỷ đồng, gồm chênh lệch tỷ giá năm 2017 là 3.071 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ đồng, giá khí trong bao tiêu theo thị trường tăng thêm 1.910 tỷ đồng.

Dự kiến năm 2019, ngành Điện ước tính phát sinh chênh lệch tỷ giá năm 2018 là 3.516 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ đồng, giá khí bao tiêu thực hiện theo thị trường năm 2019 tăng thêm khoảng 10.500 tỷ đồng... Tổng chi phí đội lên năm 2019 sẽ là 15.252 tỷ đồng. Cùng với đó là khoản chênh lệch tỷ giá treo lại từ năm 2015 dự kiến phân bổ cho năm 2019 khoảng 734 tỷ đồng.

Để bảo đảm EVN kinh doanh có lãi, tăng cường tiềm lực tài chính đầu tư vào phát điện, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng kịch bản điều hành giá bán lẻ điện của năm 2019 trên cơ sở Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016-2020 và thực tiễn sản xuất, kinh doanh của EVN. Bộ Công Thương sẽ xem xét kỹ và xây dựng kịch bản giá điện năm 2019 theo đúng quy định và có xem xét tác động của việc điều chỉnh giá điện. 

Hiện tại, Bộ đã đưa ra 4 kịch bản tương ứng: Tăng trưởng phụ tải cao và tăng trưởng bình thường, 2 kịch bản tương ứng lượng nước về hồ thủy điện bình thường và về ít hơn trung bình nhiều năm.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top