Tăng cường phối hợp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

08:45 - Thứ Sáu, 01/03/2019 Lượt xem: 10394 In bài viết

ĐBP - Năm 2019 là năm “nước rút” trong thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm (2016 - 2020). Vì vậy ngay từ đầu năm tỉnh đã đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu khá cao cần quyết tâm “tăng tốc” của cả hệ thống chính trị và các cấp, ngành để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra trong năm.

 

Một trong những giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra trong năm 2019 và giai đoạn 2016 - 2020 là tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.   Trong ảnh: Mô hình trồng cây ăn quả tập trung tại xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng).

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết HÐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT - XH năm 2019; UBND tỉnh đã chủ động lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt. Trong đó có những chỉ tiêu quan trọng, như: Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,2%; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) ước đạt 30,45 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng nông lâm nghiệp, thủy sản giảm 0,41% so với năm 2018; công nghiệp - xây dựng tăng 0,01% và dịch vụ tăng 0,47%; thu ngân sách trên địa bàn 1.196 tỷ 397 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 33,97%; toàn tỉnh có 30 xã đạt từ 15 - 19 tiêu chí nông thôn mới...

Ðể hoàn thành nhiệm vụ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành ngay từ đầu năm thực hiện đồng bộ 8 nhóm vấn đề trọng tâm, cũng là những giải pháp căn cơ, có tính đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh. Ðó là cải cách hành chính, kỷ luật kỷ cương trong thực thi công vụ; rà soát, xây dựng quy hoạch KT - XH tỉnh; phát triển kinh tế với trọng tâm, trọng điểm; huy động các nguồn lực xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa để tăng cường chất lượng y tế, giáo dục và văn hóa - xã hội...

Trên lĩnh vực kinh tế, UBND tỉnh xác định cần tạo bước đột phá trong định hướng phát triển về lĩnh vực nông, lâm và thuỷ sản. Theo đó, đẩy mạnh thực hiện các nội dung cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 theo hướng sản xuất hàng hoá, tập trung; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Ðẩy mạnh phát triển các hợp tác xã, mô hình kinh tế tập thể, trang trại; trong sản xuất phải xây dựng, hình thành sự liên kết 4 nhà: Nhà nước - nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Quan trọng nhất là các cấp, ngành tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách, khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Trong lĩnh vực đầu tư phát triển, phải chủ động xúc tiến, kêu gọi đối tác đầu tư; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế; tạo môi trường đầu tư ổn định, thông thoáng, bình đẳng và đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư. Có chính sách đa dạng hóa các hình thức huy động vốn; khai thác tối đa nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương đầu tư các công trình trọng điểm tạo động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục. Một giải pháp cần được đẩy mạnh, thực hiện hiệu quả là cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế để thu hút đầu tư. Phấn đấu năm 2019, kêu gọi đầu tư đạt ít nhất 15 dự án, với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, trong đó có ít nhất 1 dự án nguồn vốn FDI (nước ngoài).

Một giải pháp quan trọng, cũng là mặt hạn chế của những năm trước mà UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành cần thực hiện, khắc phục là công tác phối hợp phải chặt chẽ, linh hoạt, thống nhất, phát huy tối đa mặt mạnh. Trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm cần xây dựng, ban hành kế hoạch, chương trình cụ thể; trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top