Thanh toán không dùng tiền mặt còn khó khăn, vướng mắc

08:48 - Thứ Sáu, 01/03/2019 Lượt xem: 12413 In bài viết

ĐBP - Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu và phổ biến khi công nghệ đang ngày càng phát triển. Ðể bắt kịp xu thế cũng như thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tỉnh ta đã đề ra kế hoạch, phấn đấu đến năm 2020 có 80% trở lên doanh số thanh toán trong ngân hàng không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, việc thay đổi phương thức thanh toán từ tiền mặt sang không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức.

 

Khách hàng quẹt thẻ qua POS tại quầy thanh toán Siêu thị Hoa Ba. Ảnh: Thu Hằng

Kết quả bước đầu

Ngày 6/6/2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 1562/KH-UBND về triển khai thực hiện Ðề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt đạt 80% trở lên trong tổng doanh số thanh toán trong ngân hàng; các thiết bị chấp nhận thẻ (POS) được lắp đặt hầu hết tại các huyện, thị, thành phố; trên 90% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cửa hàng dịch vụ trong toàn tỉnh có lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 100% các đơn vị kinh doanh, nhà cung cấp dịch vụ (dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông...) chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Là đơn vị chủ trì, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Ðiện Biên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ hành chính công; phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thanh toán không dùng tiền mặt đến người dân, doanh nghiệp... Ðồng thời, đôn đốc các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện việc trả lương qua tài khoản kết hợp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua POS. Theo thống kê của NHNN tỉnh, toàn tỉnh hiện có 763/1.161 đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước thực hiện thanh toán cá nhân qua tài khoản; gần 19.260 trên tổng số 30.120 cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động và đối tượng khác hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thực hiện thanh toán cá nhân qua tài khoản. Tính đến hết tháng 12/2018, toàn tỉnh có 114.776 tài khoản cá nhân của khách hàng mở tại các ngân hàng thương mại với số dư trên 667,6 tỷ đồng.

Cùng với đẩy mạnh trả lương qua tài khoản, việc lắp đặt POS phục vụ nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt cũng được các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai. Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã có tổng cộng 29 máy ATM và 100 máy POS được lắp đặt. Trong đó, số lượng giao dịch qua POS trong năm 2018 đạt gần 39.500 món với giá trị thanh toán trên 76,5 tỷ đồng.

Khó khăn cần khắc phục

Một trong những khó khăn trong thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh ta là hạ tầng cơ sở vật chất. Hiện nay mới có 7/9 huyện, thị xã, thành phố có máy ATM. Còn đối với POS thì chủ yếu được lắp đặt tại các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và hệ thống cửa hàng Thế giới di động tại một số huyện như: Tuần Giáo, Mường Chà, Mường Ảng, các huyện còn lại hầu hết chưa có thiết bị chấp nhận thẻ. Bởi vậy, dù khách hàng có nhu cầu thanh toán qua thẻ cũng không có dịch vụ để đáp ứng.

Một khó khăn khác là thu nhập của người dân còn thấp, tiền rút ra chỉ để chi tiêu cho nhu cầu sinh hoạt thiết yếu... Trong khi đó, thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán ảnh hưởng lớn đến việc phát triển máy POS nói riêng, cũng như các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt nói chung.

Là đơn vị có lượng khách hàng giao dịch qua máy POS nhiều nhất so với các NHTM còn lại, Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Ðiện Biên có 38 máy POS được lắp đặt tại các siêu thị, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn… với giá trị giao dịch qua POS năm 2018 trên 36 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Phạm Hồng Tuấn, Tổ trưởng Tổ phát triển dịch vụ (BIDV Ðiện Biên) thì kết quả trên vẫn còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. 

Tại Siêu thị Hoa Ba, hiện có tổng số 12 POS được lắp đặt tại quầy thanh toán, song tỷ lệ khách hàng thanh toán qua POS chỉ chiếm khoảng 25%, còn lại chủ yếu vẫn thanh toán bằng tiền mặt. Chị Bùi Bích Duyên, tổ dân phố 20, phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: Mặc dù được trả lương qua tài khoản ngân hàng và thường xuyên mang theo thẻ ATM nhưng ngoài thanh toán tiền điện qua tài khoản thì mọi khoản thanh toán khác, kể cả đi siêu thị tôi đều trả bằng tiền mặt. Một phần cũng vì chưa có thói quen thanh toán bằng thẻ, hơn nữa không phải địa điểm nào cũng chấp nhận thanh toán bằng thẻ, bởi vậy tôi thấy dùng tiền mặt vẫn tiện hơn.

Ngoài các cửa hàng kinh doanh, nhà hàng, khách sạn... thì một số địa điểm như: bệnh viện, trường học, dịch vụ công, các cơ sở bán lẻ hàng hóa... chưa có dịch vụ thanh toán bằng thẻ. Việc thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu, nhưng để thực hiện nhanh, hiệu quả thì cần phải có một hạ tầng đầy đủ, đồng bộ, an toàn và thuận tiện.

Thu Hằng
Bình luận
Back To Top