Tỏa Tình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương

09:09 - Thứ Hai, 04/03/2019 Lượt xem: 10790 In bài viết

ĐBP - Nhiều năm trước đây, người dân xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) duy trì canh tác các loại cây lương thực truyền thống: ngô, sắn, lúa trên đất nương. Tuy nhiên, đất dốc lại không sử dụng phân bón nên sau 2 - 3 vụ gieo trồng năng suất, sản lượng thấp, thu nhập bấp bênh, đời sống người dân khó khăn. Gần đây, xã đẩy mạnh tuyên truyền vận động, mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, tổ chức các lớp trình diễn nhiều mô hình phát triển kinh tế với sự đầu tư hỗ trợ kinh phí của Nhà nước thông qua các chương trình dự án tới nông dân. Từ đó giúp bà con thay đổi nhận thức và hành động chuyển sang trồng trên nương các loại cây cà phê, sơn tra, sa nhân trên đất dốc, dưới tán rừng, góp phần tăng thu nhập, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.

 

Làm giàu từ trồng cây sa nhân, sơn tra, gia đình anh Mùa A Tòng, bản Lồng (xã Tỏa Tình) tiếp tục trồng thí điểm 100 cây mắc ca, hiện đang phát triển tốt.

Xã Tỏa Tình hiện trồng trên nương nhiều loại cây lâu năm. Cây cà phê được trồng tập trung tại các bản: Háng Tâu, Chế Á, Hua Sa A, Hua Sa B. Cây sơn tra được trồng nhiều ở các bản Hua Sa A, Hua Sa B, bản Lồng, Tỏa Tình. Cây sa nhân trồng chủ yếu ở bản Lồng, Tỏa Tình, Sông Ia và Hua Sa A. Ông Mùa A Tòng, hộ sản xuất kinh doanh giỏi ở bản Lồng, cho biết: Trước đây, đời sống, thu nhập của các hộ trong bản phụ thuộc vào thu hoạch các loại cây lúa, ngô, sắn trên nương. Từ khi bản được đầu tư công trình thủy lợi, bà con chuyển đổi từ trồng lúa trên nương sang gieo cấy lúa ruộng. Sản lượng và năng suất lúa ruộng gấp 4 lần lúa nương, công sức ít tốn hơn, canh tác bền vững. Tuy nhiên, sản xuất lúa nước đảm bảo sinh hoạt đời sống, an ninh lương thực. Phát triển cây trồng trên nương mới là nguồn thu nhập chính giúp các hộ thoát nghèo và làm giàu. Gia đình ông Mùa A Tòng hiện có 4ha sa nhân, 2ha sơn tra. Năm 2018 sa nhân mất mùa, giá giảm so với năm trước nhưng cũng thu về được 30 triệu đồng; bán sơn tra thu khoảng 50 triệu đồng. Như vậy, thu nhập từ 2 loại cây trồng này xấp xỉ 80 triệu đồng. Thu nhập cao và ổn định trong nhiều năm nên gia đình ông Tòng mua sắm được những đồ dùng sinh hoạt, nhà ở khang trang, con cháu có điều kiện học tập.

Ông Sùng A Chứ, Phó Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình, cho biết: Toàn xã hiện có 40ha cây sa nhân, 38ha cây sơn tra và 210ha cà phê. Phát triển và duy trì cây trồng lâu năm trên nương giúp người dân trong xã có thu nhập ổn định, góp phần nâng độ che phủ rừng, giữ độ ẩm đất, bảo vệ môi trường sinh thái. Nhiều hộ dân ở các bản: Hua Sa A, Hua Sa B, Tỏa Tình, bản Lồng… làm giàu từ phát triển các loại cây công nghiệp lâu năm trên nương. Ðảm bảo an ninh lương thực, có nguồn thu nhập ổn định từ trồng các loại cây công nghiệp trên nương nên tình trạng người dân phá rừng sản xuất cơ bản đã không còn. Rừng đang được phục hồi. Hiện nay, xã khoanh nuôi bảo vệ 1.328ha rừng, bảo vệ chăm sóc tốt 365ha rừng trồng. Năm 2018, trồng mới 81ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng toàn xã tăng lên 32,6%. Với lợi thế nằm ven quốc lộ 6 nên sản phẩm nông nghiệp của xã dễ tiêu thụ, bán được theo giá thị trường. Do vậy, ngày càng nhiều hộ trên địa bàn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các cây có giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Tiến Dũng
Bình luận
Back To Top