Giao thông đi trước tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội

09:11 - Thứ Hai, 04/03/2019 Lượt xem: 10110 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, tỉnh ta có 8.276,66km đường giao thông, mật độ giao thông trung bình đạt 86,5km/100km2. Trong đó, quốc lộ (QL) có 6 tuyến, gồm: QL.12, QL.6, QL.279, QL.4H, QL.279B, QL.279C; tỉnh lộ có 20 tuyến. Toàn tỉnh có 4 tuyến đường tuần tra biên giới gồm: A Pa Chải - Tả Long San; Ðồn Biên phòng 405 - Tả Long San; Ðồn Biên phòng 419 - Mường Pồn; Ðồn Biên phòng 415- Nà Khoa; đường huyện có 102 tuyến và trên 5.000km đường xã, thôn, xóm, nội đồng. Hiện nay, 130/130 đơn vị cấp xã và tương đương có đường ô tô đến trung tâm. Trong đó 121/130 xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được quanh năm; 9/130 xã còn lại chỉ đi được vào mùa khô.

 

Phương tiện khắc phục giao thông trên tuyến tỉnh lộ 145 Chà Cang - Nà Khoa (huyện Nậm Pồ). Ảnh: Mạnh Thắng

Tập trung phát triển mạng lưới giao thông, tỉnh ta đã triển khai nhiều dự án phát triển giao thông quan trọng, đến nay đã hoàn thành như: Cải tạo, nâng cấp QL.279 (đèo Chiến Thắng - Minh Thắng); cải tạo, nâng cấp QL.12 đoạn Mường Chà - TP. Ðiện Biên Phủ; sửa chữa nền mặt đường QL6 đoạn Tuần Giáo - Thị xã Mường Lay; đường Si Pa Phìn - Mường Nhé (Km0-Km100+200); cải tạo nâng cấp QL.4H đoạn Km0-Km47 và đoạn Km147+200 - Km184+200 (bao gồm cả nhánh ra cửa khẩu A Pa Chải)… Trong đó việc cải tạo, nâng cấp QL.12 kéo dài sẽ kết nối các xã phía tây lòng chảo huyện Ðiện Biên (là các xã vùng biên giới Việt - Lào) như: Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Yên, Noong Luống, Noong Hẹt, Pa Thơm với trung tâm huyện và trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ. Ðây là tuyến đường chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của huyện Ðiện Biên, TP. Ðiện Biên Phủ nói riêng và của tỉnh nói chung. Các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm tu sửa, nâng cấp, mở rộng đảm đương vai trò là trục đường chính kết nối giao thông các vùng trong tỉnh với các khu lân cận và Trung ương. Ðặc biệt, QL.279 đấu nối với QL.2E của nước bạn Lào là tuyến đường huyết mạch phục vụ đắc lực vận tải hành khách, hàng hóa, giao lưu văn hóa của người dân 2 nước Việt - Lào nói chung, nhân dân các dân tộc trong tỉnh ta với người dân các tỉnh Bắc Lào nói riêng. Bên cạnh đó, các tuyến quốc lộ khác như: QL.6 nối Tuần Giáo - Mường Lay và các tỉnh Sơn La, Lai Châu; QL.12 nối liền trục kinh tế T.P Ðiện Biên - Mường Chà - Mường Lay; QL.4H có 2 tuyến nhánh đi cửa khẩu Si Pa Phìn - Huổi Lả và A Pa Chải - Long Phú được đẩu tư nâng cấp kết nối với QL.4G, QL.279 và QL.12 tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, thông suốt, là động lực chính trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc khu vực biên giới và hoạt động xuất, nhập khẩu, tái xuất hàng hóa qua cửa khẩu A Pa Chải.

Thời gian qua, Sở Giao thông - Vận tải đã tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải cho chuyển một số tuyến tỉnh lộ thành quốc lộ, mở ra cơ hội lớn đầu tư, nâng cấp cải tạo các công trình từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, như: QL.279C, QL.12 kéo dài, QL.279B. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang triển khai đầu tư Dự án Cải tạo nâng cấp QL.279B với tổng chiều dài 11,5km từ xã Nà Tấu (Km52+300, QL.279) đến khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ tại xã Mường Phăng (huyện Ðiện Biên). Ðây là tuyến kết nối QL.279 với khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, có vai trò quan trọng trong việc kết nối với khu du lịch Pá Khoang (khu du lịch sinh thái của tỉnh nằm trong 46 khu du lịch quốc gia) và hệ thống giao thông khu vực tạo ra mạng lưới giao thông liên hoàn, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch tỉnh ta.

Hệ thống đường ra biên giới, đường vành đai biên giới được quan tâm đầu tư mở mới, nâng cấp, sửa chữa đã góp phần quan trọng xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh. Ðồng thời tạo điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Ông Nguyễn Hữu Khởi, Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên cho biết: Từ khi tuyến đường vành đai biên giới Pom Lót - Núa Ngam - Huổi Puốc với quy mô đường cấp 5 miền núi hoàn thành đưa vào sử dụng, đã và đang góp phần quan trọng giúp những xã phía Nam của huyện, vốn được xem là vùng “lõm” về kinh tế như: Mường Lói, Phu Luông, Mường Nhà, Na Tông có điều kiện phát triển. Bên cạnh đó, tuyến đường còn thúc đẩy các hoạt động thương mại, giao lưu văn hóa, thể thao giữa nhân dân các dân tộc tỉnh ta với người dân các tỉnh Bắc Lào.

Cùng với tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông từ nguồn ngân sách Nhà nước, những năm gần đây tỉnh ta đã tích cực thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển giao thông trên địa bàn theo hình thức đối tác công - tư. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 4 dự án gồm: Dự án xây dựng tuyến đường Thanh Minh - Ðộc Lập, tổng vốn đầu tư dự kiến gần 286 tỷ đồng; Dự án xây dựng đường Trần Văn Thọ kéo dài nằm trên địa phận 2 phường Him Lam, Thanh Trường (TP. Ðiện Biên Phủ) và xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên), dự kiến tổng mức đầu tư 227 tỷ đồng, hiện nay đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư; Dự án Khu tái định cư các hộ dân đường 15m từ cầu A1 đến cầu C4 (Dự án đường 15m kéo dài) được đầu tư theo hợp đồng BT đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và Dự án Xây dựng, mở rộng Cảng Hàng không Ðiện Biên với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cũng được Chính phủ khuyến khích đầu tư theo hình thức PPP.

Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top